Giấc mơ World Cup vẫn xa vời với bóng đá Trung Quốc
Giải nhà nghề chịu chi nhất thế giới
Có lẽ không ở đâu trên khắp thế giới bóng đá có giải vô địch quốc gia chịu chơi, chịu chi như giải nhà nghề Trung Quốc. Riêng trong mùa này, giải đấu đã chi tổng cộng hơn 300 triệu bảng cho việc mua sắm cầu thủ.
Đáng chú ý ở chỗ hơn 300 triệu bảng này được chi không phải đối với những tài năng hàng đầu của làng túc cầu hiện nay, mà chỉ dành cho các ngôi sao hạng 2, hoặc những tên tuổi chuẩn bị bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, muốn tìm bến đỗ cuối cùng để lãnh lương cao trước khi “treo giày”.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi mục tiêu của bóng đá Trung Quốc vào lúc này là gây tiếng vang, và nếu không chi đậm, họ sẽ không nhận được cái gật đầu của các ngôi sao, dù chỉ là ngôi sao về chiều hoặc anh hào hạng 2.
Số những ngôi sao về chiều gia nhập giải nhà nghề Trung Quốc có Carlos Tevez (Argentina), Graziano Pelle (Italia), Obafemi Martins (Nigeria). Riêng Tevez đang là cầu thủ lãnh lương cao nhất thế giới (41 triệu USD/năm khi khoác áo Shanghai Greenland Shenshua).
Bóng đá Trung Quốc giàu nhưng không mạnh |
Các ngôi sao hạng hai gia nhập giải nhà nghề Trung Quốc có Paulinho, Alex Teixeira, Ramires (Brazil), Jackson Martinez (Colombia)... Số này có Jackson Martinez từng từ chối lời đề nghị của ông khổng lồ của bóng đá châu Âu AC Milan, để sau đó gia nhập giải nhà nghề Trung Quốc. Chi tiết ấy chứng minh sức hấp dẫn của đồng Nhân Dân Tệ đối với bóng đá thế giới hiện tại.
Rồi không chỉ có các cầu thủ, nhiều HLV tên tuổi cũng tìm đến Trung Quốc, trong những năm cuối của sự nghiệp huấn luyện đỉnh cao như Marcello Lippi (từng vô địch World Cup 2006 với đội tuyển Italia), hay Felipe Scolari (vô địch World Cup 2002 với Brazil).
Chất lượng đội tuyển quốc gia tỷ lệ nghịch với sự giàu có của giải trong nước
Bất chấp việc vung tiền như nước để chiêu mộ nhiều tên tuổi lớn của bóng đá thế giới, chất lượng của đội tuyển Trung Quốc không tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng và chịu chi của các CLB nhà nghề.
HLV Marcello Lippi dù có lão luyện đến mấy cũng khó thành công trong cảnh "không bột khó gột nên hồ" |
Bằng chứng là Trung Quốc vẫn lẹt đẹt ở vòng loại World Cup 2018. Sau 7 lượt trận, đại diện của quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ đạt được 5 điểm, đứng áp chót tại bảng A, và vẫn còn ở quá xa với suất đến nước Nga mùa hè năm sau.
Dẫn dắt đội tuyển Trung Quốc hiện là HLV nổi tiếng Marcello Lippi, nhưng đáng tiếc là ông Lippi đến với đội tuyển nước này quá trễ. Mãi đến tháng 11 năm ngoái, vị HLV lão làng người Italia mới nhận nhiệm vụ của mình. Khi đó, Trung Quốc mới có 1 điểm sau 4 lượt đấu tại bảng A.
HLV Lippi có mặt và giúp cho Trung Quốc có thêm 4 điểm nữa sau 3 trận, đáng kể nhất là trận thắng Hàn Quốc 1-0 cách nay ít ngày. Tuy nhiên, trận thắng đấy cho đến nay chỉ là bất ngờ thuần tuý. Còn nguyên nhân lớn nhất vẫn là chuyện bóng đá Trung Quốc thiếu nền tảng vững chắc, để gia nhập nhóm đầu châu Á.
Chính điều này khiến cho HLV Lippi dù lão luyện đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể tạo nên điều thần kỳ, trong bối cảnh “không bột khó gột nên hồ”.
Nên nhớ, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, bóng đá Trung Quốc mới 1 lần dự VCK World Cup vào năm 2002, khi giải đấu được tổ chức tại 2 quốc gia thuộc châu Á là Nhật Bản Hàn Quốc (cũng có nghĩa là năm đó Trung Quốc không phải tranh vé tại vòng loại với 2 đội đồng chủ nhà vừa nêu ở khu vực châu Á).
Còn lại, đội bóng của quốc gia đông dân nhất thế giới toàn thất bại ở các chiến dịch vòng loại World Cup, chứng mình việc chi nhiều tiền ở giải quốc nội, nhưng thiếu nển tảng vững chắc vẫn không giúp cho bóng đá Trung Quốc mạnh lên. Đấy là chưa tính đến chuyện tiền được chi nhiều, nhưng chưa chắc chi đúng phương pháp, dẫn đến chất lượng chuyên môn của bóng đá Trung Quốc nhìn chung vẫn chưa thể gia nhập nhóm đầu châu Á.
Kim Điền