Giá lợn hơi “rơi không phanh”, nông dân lo mất Tết
Giá thịt lợn hơi tại các địa phương đều rớt thảm hại. (Ảnh: Internet) |
Giá “rơi thẳng đứng”
Cụ thể, theo khảo sát tại một số địa phương chăn nuôi lợn hơi chính tại miền Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Sơn Tây giá lợn hơn giảm từ 20.000 đồng/kg- 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi xuất chuồng cách đây vài tháng vẫn ở mức 47.000 đồng/kg. Thậm chí thời điểm sốt giá cách đây mấy tháng, giá lợn hơi lên tới 50.000/kg.
Trong khi đó, tại Đồng Nai- “thủ phủ” nuôi lợn của cả nước, cũng là địa phươn chiếm 50% sản lượng lợn hơi của Việt Nam, giá lợn hơi thu mua tháng 12/2016 giảm 2.000- 4.000 đồng/kg xuống còn 37.000- 39.000 đồng/kg. Tình hình tương tự với các địa phương như An Giang, Vĩnh Long.
Đặc biệt, thực tế đến thời điểm này, giá thịt lợn hơi đã giảm xuống chỉ còn 28.000- 30.000 đồng/kg.
Theo Chi cục thú y Đồng Nai, năm 2015, tổng đàn heo của Đồng Nai vào khoảng 1,3 triệu con, đến cuối năm 2016, đàn heo của tỉnh đã lên đến hơn 1,8 triệu con, đứng đầu cả nước do nhu cầu thu mua của thương lái Trung Quốc tăng cao. Nhưng hai tháng gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm từ 48.000- 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn 27.000 – 28.000 đồng.
Nhiều hộ chăn nuôi cầm cự trông chờ vào thị trường Trung Quốc nhưng đến thời điểm này đành phải bán, chấp nhận chịu lỗ.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cũng cho biết, với mức giá hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ nặng. Hiện nay, Sở đang thống kê, tổng hợp để báo cáo lên UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, tâm lý người nông dân đều dồn lực vào chăm nuôi gia súc để thu hoạch vào cuối năm, chuẩn bị cho cái tết sung túc. Nhưng với tình trạng này, mỗi một đầu lợn, người chăn nuôi đang chịu lỗ khoảng 1,5 triệu đồng. Như vậy, người nông dân có nguy cơ mất Tết.
Hơn 1 triệu tấn thịt, 11 tỷ quả trứng sẵn sàng cung ứng phục vụ Tết Thu nhập đạt hơn 700 triệu/năm từ chăn nuôi trên đất hoang Hoa lan nhập ngoại Tết Đinh Dậu – “giá chát trên trời” nhà giàu mới dám chơi
“Phớt lờ” cảnh báo
Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết thêm, thị trường Trung Quốc vốn “khi đóng, khi mở” nên từ lâu địa phương đã có cảnh báo cho người dân. Tuy nhiên, lúc Trung Quốc ồ ạt thu mua, giá tăng, bà con đổ xô nuôi. Đến thời gian 4-5 tháng sau, khi Trung Quốc hạn chế nhập nên dẫn đến giá rớt thảm hại.
Cụ thể, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2016, thị trường lợn hơi biến động tăng do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như nội địa tăng. Vào thời điểm tháng 5/2016, giá heo đạt đỉnh ở mức 55.000 đồng, tăng khoảng 15.000 đồng so với trước đó 3 tháng. Thêm nữa, thị trường Trung Quốc rất chuộng loại heo có trọng lượng hơn 100kg, nhiều mỡ.
Cho nên, vào thời điểm đó, lái buôn Trung Quốc nhập ồ ạt heo Việt Nam với giá cao ngất, khiến người chăn nuôi vùng Đông Nam bộ ồ ạt tăng đàn
Nhưng chính việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc dẫn đến, khi thị trường Trung Quốc ổn định thì họ hạn chế nhập, heo dư nhiều. Trong khi đó, thị trường nội địa lại không chuộng loại heo có trọng lượng lớn, nhiều mỡ dẫn đến giá thịt heo cũng giảm đồng loạt.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), do lợn hơi xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, không có cam kết thỏa thuận giữa hai bên nên nhiều rủi ro. Tất cả đều phụ thuộc vào sự mở cửa của phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, do năm nay người chăn nuôi tăng đàn lợn, tiêu thụ nội địa lại không có đột biến nên nguồn cung thừa, giá giảm.
Theo ông, giá lợn lao dốc đã được cơ quan này cảnh báo từ nhiều tháng trước. Bộ đã có văn bản cho các tỉnh gửi các địa phương để điều chỉnh quy hoạch, sản lượng. cảnh báo cho các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn phải căn cứ vào nhu cầu thị trường để phát triển sản phẩm.
“Nếu chúng ta cứ phát triển theo đám đông, theo đồn đại hoặc theo tư duy giá tăng thì tăng thì không thể phát triển được”, ông Vân cho biết.
Chia sẻ về hướng đi cho ngành năm 2017, ông Vân cho biết cơ quan chức năng sẽ cố gắng đàm phán thị trường mới, đặc biệt là Trung Quốc để có xuất khẩu chính ngạch lợn hơi. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi ký kết với nhau, phát triển theo chuỗi, đảm bảo sản xuất có kế hoạch, bền vững.