Giải bài toán thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp
Các địa phương nhân rộng mô hình sản xuất thâm canh đối với những giống có giá trị cao theo chuẩn hữu cơ, Vietgap

Thực hiện phương pháp canh tác công nghệ cao bằng giá thể trong nhà lưới đang là một phương pháp mà nông dân TP Sông Công bắt đầu đưa vào áp dụng khi không dễ để tăng diện tích sản xuất. Nếu như vào năm 2016, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của TP Sông Công khoảng trên 8.200 ha thì nay chỉ còn khoảng 5.800 ha. Mặc dù vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp của Sông Công thời điểm này đã tăng gần 24%.

Anh Lê Hữu Hiệu, Tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, TP Sông Công cho rằng: “Mặt đất không bằng phẳng nên người nông dân làm nông nghiệp rất vất vả. Mình thấy tiếc đất nên đã chuyển giống dưa về đây tồng”.

Bà Đoàn Thị Hồng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Sông Công thông tin: “Thành phố đã có cơ chế hỗ trợ về giống, hỗ trợ về mô hình hệ thống tưới, hỗ trợ về kỹ thuật theo chiều sâu và chất lượng cao”.

Đối với cây lương thực, nông dân huyện Phú Bình cũng đã đưa vào thâm canh đối với những giống giá trị cao theo chuẩn hữu cơ, Vietgap. Từ việc thay đổi thói quen sản xuất, giá thương phẩm của thóc J02 trên cánh đồng này đã tăng gần 50% giá trị so với giống trước đây, trong khi sản lượng thì không thay đổi.

Ông Nguyễn Đăng Chính, xóm Quại, xã Tân Đức, huyện Phú Bình cho biết: “Về gạo Vietgap của Tân Đức thì chúng tôi mong muốn có 1 kênh để giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới”.

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình khẳng định: “Xác định rằng trong thời gian tới diện tích đất nông nghiệp giảm thì chúng tôi sẽ tìm giống có năng suất, chất lượng cao, và trồng tập trung thành vùng chuyên canh cao”.

Để đạt được mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của thị xã lên trên 2.600 tỷ đồng vào năm 2025, Phổ Yên lại đang chọn đưa khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cơ giới hóa sản xuất vào khâu chế biến.

Giải bài toán thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp
Dây chuyền sản xuất tinh bột rau củ của Công ty Nguyên Việt, xã Minh Đức, Thị xã Phổ Yên

Chỉ với diện tích vài trăm mét vuông, nhưng cơ sở sản xuất của Công ty Nguyên Việt, xã Minh Đức, Thị xã Phổ Yên có thể tiêu thụ hàng tấn sản phẩm cho bà con nông dân hàng ngày. Việc cải tiến kỹ thuật và sản xuất tập trung như thế này vừa giúp bao tiêu sản phẩm, vừa giúp người nông dân đạt giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty Nguyên Việt, xã Minh Đức, Thị xã Phổ Yên thông tin: “Tất cả các sản phẩm rau được công ty sấy lạnh sau đó mới nghiền thành tinh bột và đóng bao bì sản phẩm để xuất bán ra thị trường”.

Ông Đồng Văn Tân, Phó Chủ tích UBND Thị xã Phổ Yên cho biết: “Chúng tôi xác định ngoài sản xuất ra thì còn chế biến sâu để cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao”.

Phát triển công nghiệp dịch vụ sẽ đem lại nguồn thu nhanh và lớn, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn do bối cảnh COVID-19 càng thấy rõ vai trò của ngành nông nghiệp là trụ cột của kinh tế và an sinh xã hội.

Mặt khác, đất đai, tư liệu sản xuất quan trọng của nông nghiệp không sinh thêm được nên những giải pháp, mô hình sản xuất mới, tiên tiến trong nông nghiệp để nâng cao giá trị trong ngành này lại càng đáng được hoan nghênh, điều này cũng cho thấy nông nghiệp hiện nay cũng vẫn còn dư địa để phát triển nếu được hỗ trợ, định hướng và khuyến khích.