“Dư luận bức xúc về hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ”
Chiều nay (20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Quy định mới về mở rộng phạm vi điều chỉnh với khu vực ngoài Nhà nước là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận.
“Tham nhũng ngoài Nhà nước” ảnh hưởng bất lợi
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài nhà nước” đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Quốc hội) |
Bên cạnh đó, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư; Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực này như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước đã được Bộ luật Hình sự điều chỉnh.
Trên thực tế, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp “sân sau”, được sự “đỡ đầu” của người có chức vụ, quyền hạn.
Những hành vi trên vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước (người không phải cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm của hành vi tham nhũng).
Vì vậy, loại ý kiến này cho rằng, hiện nay chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước (là khu vực chủ yếu và quan trọng nhất trong PCTN), trước mắt chưa mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Riêng đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước thì sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Mở rộng ra có làm nổi không?
Góp ý vào dự thảo luật, ông Nguyễn Hải Phong – Phó viện trưởng ViệnVKSNDTC nhất trí mở rộng phạm vi như dự án luật, nhưng cần lưu ý mở rộng đến đâu. Đây là chính sách rất lớn nên cần nghiên cứu kỹ, đánh giá thận trọng để hạn chế nhũng nhiễu gây khó khăn cho các đối tượng ngoài ra nước. “Chưa mở rộng đã thế này, mở rộng ra thì đây là vấn đề cần phải lưu ý” – ông Phong nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước có làm nổi không? (Ảnh: Quốc hội) |
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm không nên mở rộng quá vì trong khu vực nhà nước còn không làm nổi, giờ mở ra khó làm hơn. Theo ông Phúc, chỉ nên tập trung vào đối tượng sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc mở rộng phạm vi theo hướng áp dụng với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, áp dụng bắt buộc một số chế định với một số tổ chức ngoài Nhà nước là phù họp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu mở rộng thì cần tiếp tục nghiên cứu rất kỹ và đánh giá tác động về tính hiệu quả, khả thi để vừa bảo đảm thực hiện phòng chống tham nhũng trong khu vực này, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh./.