Năm 2022, gia đình anh Trần Quang Trung, ở xóm Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ là 1 trong số những hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng giành cho đối tượng sản xuất, kinh doanh. Có kinh nghiệm, lại thêm nguồn lực tài chính, anh Trung đã đầu tư thêm máy móc và nguyên liệu phục vụ sản xuất. Chủ động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường đã giúp doanh thu từ cơ sở sản xuất mộc của gia đình tăng lên đáng kể, với trên 200 triệu đồng trong năm qua. Anh Trần Quang Trung chia sẻ: "Nguồn vốn gia đình sử dụng đã lâu, tôi đã đầu tư nhà xưởng, máy móc để sản xuất, kinh tế gia đình ổn định, không khó khăn như trước".

Dòng tín dụng thiết thực và ý nghĩa
Gia đình chị Vũ Thị Huyền, ở xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào chè trung du của gia đình sang trồng giống chè lai F1 mới.

Nếu như trước đây, kinh tế của gia đình chị Vũ Thị Huyền, ở xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông gặp nhiều khó khăn, thì nay đã khác. 3 năm trước, khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm, chị Huyền đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào chè trung du của gia đình sang trồng giống chè lai F1 mới. Sau 2 năm đầu cho thu hoạch thấp, từ năm 2022 trở lại đây, giống chè mới đã đạt năng suất cao, với thu nhập bình quân đạt từ 20-22 triệu đồng/tháng. Chị Vũ Thị Huyền cho hay: "Từ khi được tiếp cận với nguồn vốn, đời sống của gia đình tôi thay đổi rất nhiều. Các con được học hành tốt hơn, gia đình có phương tiện đi lại. Cuộc sống sinh hoạt tiện nghi đầy đủ, cảm ơn Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ nông dân nguồn vốn để thay đổi cuộc sống".

Ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: "Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, công tác giảm nghèo của xã đã vượt các chỉ tiêu đề ra, có nhiều hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ đầu nhiệm kỳ là 8,8% giảm còn 4,71%".

Dòng tín dụng thiết thực và ý nghĩa
Từ các chương trình tín dụng ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ đã có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống.

Những năm qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ đã có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Thế Khoái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ, Thái Nguyên thông tin: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn kịp thời chuyền tải nguồn vốn tín dụng đến với bà con nhân dân; không để những trường hợp đúng đối tượng đủ điều kiện vay vốn lại chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, giúp cho bà con nhân dân thực hiện sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả".

Toàn huyện Đại Từ hiện có gần 16.000 khách hàng còn dư nợ từ các chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ gần 590 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, thông qua 18 chương trình cho vay, đã có trên 900 hộ dân thuộc diện chính sách đã tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, với số tiền trên 32,5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các chương trình hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, giải quyết việc làm... Những con số ấn tượng này đồng nghĩa nhiều hộ chính sách sẽ có cuộc sống mới đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn./.