Donald Trump mở rộng danh sách lựa chọn ứng viên Ngoại trưởng Mỹ
Cánh cửa vẫn để ngỏ
Trợ lý cao cấp của ông Trump, bà Kellyanne Conway cho biết, Tổng thống đắc cử sẽ “tiến hành rất nhiều các cuộc gặp” nhằm lấp đầy các vị trí còn trống trong Nội các, trong đó có chức vụ Ngoại trưởng Mỹ.
Tổng thống đắc cử Trump vẫn đang tìm kiếm thêm những lựa chọn tốt nhất cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh:AFP |
Hiện vẫn chưa rõ ông Trump có ưu tiên tuyển chọn người có nhiều kinh nghiệm hơn vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ như ông đã làm với một số vị trí chủ chốt trước đó hay không.
Giới quan sát đã đưa ra 4 cái tên được cho là đã “lọt vào tầm ngắm” của ông Trump, bao gồm cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Mitt Romney và cựu Giám đốc CIA David Petraeus.
Tuy nhiên, theo bà Conway: “Sự thật là ông Trump đang mở rộng phạm vi tìm kiếm ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ”, theo đó, người cuối cùng được chọn phải “sẵn sàng thực thi và tuân thủ triệt để chính sách ngoại giao luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu của Tổng thống đắc cử”.
Theo CNN, danh sách này đến nay có thêm Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Jon Huntsman, CEO của Exxon Rex Tillerson và Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Corker. “Danh sách này được mở rộng gần như vô hạn bởi chúng tôi không giới hạn những người được lựa chọn”, bà Conway nói.
Cơ hội rộng mở cho người "biết sửa chữa sai lầm"
Trong số này nổi bật là cựu Giám đốc CIA David Petraeus. Bản thân ông Petraeus cũng tuyên bố đã sẵn sàng làm việc cho ông Trump nếu nhận được lời mời chính thức từ Tổng thống đắc cử.
Dù từng dính vào bê bối, ông Petraeus vẫn được cân nhắc do có rất nhiều kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế. Ảnh: AFP |
Là một học giả-chiến binh 64 tuổi, ông Petraeus từng là người trực tiếp điều hành chiến dịch của Mỹ tại Iraq từ năm 2008-2010 và kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế của ông “vượt xa” so với những tên tuổi còn lại.
Tuy nhiên, ông Petraeus cũng từng dính vào bê bối khiến ông phải từ chức hồi năm 2012 sau khi bị phát hiện chia sẻ một loạt thông tin bí mật với người tình của ông. Hồi năm 2015, ông Petraeus đã lên tiếng thừa nhận sai sót này của mình và tuyên bố ông đã trả giá cho sai lầm nói trên khi phải nhận 2 năm án treo và số tiền phạt lên đến 100.000 USD
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Mike Pence từng lên tiếng ca ngợi ông Petraeus là “một người anh hùng của nước Mỹ” và cho rằng, dù đã từng mắc sai lầm nhưng ông Patraeus đã “sửa chữa hết sai lầm của mình”. Trong khi đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ “xem xét mọi kinh nghiệm mà ông Petraeus đã trải qua trong sự nghiệp để đưa ra quyết định cuối cùng".
Ngoại trưởng tương lai của Mỹ và mối quan hệ với Trung Quốc
Hiện cả các đồng minh và đối thủ của Mỹ đều đang hồi hộp chờ đợi sự lựa chọn của ông Trump cho chức vụ Ngoại trưởng Mỹ bởi điều này sẽ giúp họ vạch ra được chính sách ngoại giao của Mỹ trong tương lai.
Một trong những vấn đề mà Ngoại trưởng tương lai của Mỹ sẽ phải đối mặt là thái độ không mấy thân thiện của Tổng thống đắc cử Donald Trump với Trung Quốc.
Gần đây nhất, ngày 4/12, ông Trump đã cáo buộc trên trang Twitter cá nhân rằng, Trung Quốc đang thao túng tiền tệ thế giới và thực thi chủ nghĩa bành trướng về quân sự.
“Trung Quốc có bao giờ hỏi chúng ta rằng, mọi chuyện có ổn không nếu họ tự ý hạ giá đồng Nhân dân tệ (làm cho các công ty của Mỹ bị mất tính cạnh tranh), đánh nặng thuế lên các sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc (Mỹ không đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ) hay xây dựng trái phép nhiều căn cứ quân sự quy mô lớn trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông?”, ông Trump viết: “Tôi không tin là họ sẽ làm vậy!”.
Những lời lẽ gay gắt trên diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ông Trump có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khiến Trung Quốc hết sức giận dữ và đã chính thức gửi công hàm phản đối hành động của Tổng thống đắc cử Mỹ.
Cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn là cuộc điện đàm đầu tiên giữa một Tổng thống đắc cử Mỹ với lãnh đạo Đài Loan sau khi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thông qua chính sách "một Trung Quốc" hồi năm 1979.
Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã kêu gọi phía Mỹ cần “phải thận trọng, xử lý đúng đắn vấn đề Đài Loan để tránh những xáo trộn không cần thiết trong quan hệ Trung – Mỹ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói: “Phải nói rằng, chỉ có một Trung Quốc trên trái đất này, Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và Chính phủ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc. Đó là sự thật được cộng đồng quốc tế công nhận”.
Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Mike Pence tuyên bố, cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn chỉ mang tính xã giao và chính sách ngoại giao dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ được quyết định sau khi ông Trump chính thức nhậm chức./.