Đổi thay ở điểm trường Bản Tèn
Niềm vui trong từng ánh mắt, nụ cười của cô và trò nơi đây

Điểm trường hiện có gần 200 học sinh bậc học mầm non và tiểu học người dân tộc Mông theo học. Trong đó, 100% đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Không còn những lớp học tạm bợ, dột nát, thay vào đó là các dãy nhà khang trang, sạch sẽ. Với cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, tạo thêm hứng thú học tập cho học sinh.

Em Hoàng Thị Mai, lớp 5C, Điểm trường Bản Tèn, trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên vui mừng cho biết: "Học ở đây cháu được thầy cô dạy máy chiếu, cháu rất là vui ".

Chị Lý Thị Phương, xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cũng cho biết: "Tôi là một phụ huynh ở trên này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào của dân tộc Mông, cũng như điểm trường Bản Tèn".

Đổi thay ở điểm trường Bản Tèn
Cơ sở vật chất được cải thiện rất nhiều tạo hứng thú học tập cho các em.

Các chính sách hỗ trợ cho học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 của Chính phủ cũng đã được thực hiện, giúp các em có thêm nhiều điều kiện để học tập, vui chơi

Cô giáo Đinh Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên khẳng định: "Đối với các chế độ học sinh thì nhà trường triển khai rất kịp thời. Hỗ trợ các em về chi phí học tập thì nhà trường sẽ tuyên truyền vận động, ưu tiên mua sắm đồ dùng học tập cho các con, tuyên truyền cho các con là đi học đầy đủ 100%, đặc biệt là các em học sinh lớp 1 rất bé mà các em phải đi bộ đến trường 1-2 km đường rừng, đường bộ và đường đèo rất khó khăn".

Đến điểm trường Bản Tèn hôm nay, một diện mạo mới đang hiện hữu. Cùng những nỗ lực của các thầy cô giáo đã xây dựng nên một môi trường giáo dục tốt hơn cho học sinh nơi bản làng xa xôi./.