Sớm khắc phục tình trạng lãng phí cơ sở vật chất sau sáp nhập đơn vị hành chính
Đầu năm 2014, xã Hùng Sơn huyện Đại Từ được sáp nhập với thị trấn Hùng Sơn để mở rộng thị trấn trung tâm huyện. Do sắp xếp lại cơ sở vật chất, trụ sở trạm Y tế thị trấn Hùng Sơn mới được đầu tư xây dựng không được sử dụng gần 3 năm nay đã ngày càng xuống cấp. Lãnh đạo thị trấn cho biết, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn tất thủ tục bàn giao đất và tài sản của trạm y tế này về cho địa phương quản lý nên mặc dù rất muốn quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc cho các đơn vị chuyên môn khác, thế nhưng nhiều năm qua thị trấn Hùng Sơn vẫn loay hoay đề nghị với các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết.
Trạm y tế Hùng Sơn 2 đã đóng cửa và không sử dụng nữa. |
Ông Đới Duy Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ cho biết: "Trạm y tế có quyết định sáp nhập hai trạm y tế làm một thì hiện nay thì trạm y tế Hùng Sơn 2 đã đóng cửa và không sử dụng nữa, mặc dù thị trấn Hùng Sơn cũng đã có văn bản đề nghị để bàn giao để sử dụng vào mục đích quy hoạch phù hợp nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi".
Tương tự, sau khi sáp nhập xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu, công trình trạm Y tế thị trấn gồm nhà làm việc 2 tầng và các công trình phụ trợ với diện tích khoảng 400 mét vuông tọa lạc giữa trung tâm thị trấn thuộc diện dôi dư sau sắp xếp. Trong khi còn thiếu trụ sở cho các đơn vị chuyên môn khác làm việc, để tránh lãng phí và xuống cấp, thị trấn Quân Chu đã cho cải tạo lại trạm Y tế thành trụ sở làm việc của Công an thị trấn.
Ông Trịnh Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ cho biết: "Hiện tại trụ sở công an thị trấn vẫn trên đất của ngành y tế quản lý, chúng tôi tạm thời bàn giao cho công an sử dụng tận dụng trong quá trình các cấp có thẩm quyền chưa bàn giao cho địa phương thì chưa thể chuyển sang đất cho công an được".
Trụ sở Công an thị trấn Quân Chu. |
Việc chủ động sử dụng tài sản dôi dư sau sắp xếp hiện nay của huyện Đại Từ là phụ hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu thiết yếu của địa phương, thế nhưng việc làm này lại chưa phù hợp với các quy định của Luật đất đai và Luật đầu tư công. Đây không chỉ là bất cập riêng của mỗi địa phương, theo số liệu thống kê tính đến nay, toàn tỉnh còn 183 cơ sở nhà đất do đơn vị sự nghiệp công quản lý chưa được phê duyệt phương án sắp xếp.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thông tin: "Chúng tôi có đề nghị với các ngành đặc biệt là ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ khi chúng tôi có những nội dung liên quan và đặc biệt là chủ động trong việc bàn giao để tránh lãng phí, khi đó phải sửa chữa hoàn thiện các hạng mục để đủ điều kiện cho công an hoạt động, khi đầu thì mắc câu chuyện nếu đầu tư trên tài sản đất của y tế mà đất y tế chưa bàn giao thì lại có những vướng mắc nhất định".
Tại phiên chất vấn mới đây về kết quả giám sát việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý giai đoạn 2018 - 2023 của Thường trực HĐND tỉnh, vấn đề này cũng đã được các đại biểu đề nghị các cơ quan có liên quan làm rõ.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Kế hoạch của cơ quan tài chính là sẽ mời từng huyện, thành phố, thị xã và Sở Tài nguyên và Môi trường họp cùng và phối hợp để tham mưu báo cáo UBND tỉnh dự kiến cố gắng trong năm 2025 sẽ hoàn thành".
Không phủ nhận những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản nhà đất công sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiên sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã như vậy sẽ có không ít trụ sở thuộc diện dôi dư, để tránh lãng phí nguồn lực đất đai vấn đề này rất cần được các cấp, ngành xem xét tích cực giải quyết trong thời gian sớm nhất./.