Hoàn thiện kỹ thuật nuôi lợn từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh
Lợn nuôi từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh cho tỷ lệ thịt nạc tăng |
Việc triển khai thực hiện Đề tài nhằm tận dụng nguyên liệu trà xanh của địa phương, góp phần tăng sức đề kháng cho lợn trong quá trình sinh trưởng và nâng cao chất lượng thịt cũng như hướng tới xây dựng mô hình chăn nuôi lợn gắn với thương hiệu nổi tiếng chè Thái Nguyên của người dân Thái Nguyên.
Thực hiện đề tài này, các nhà khoa học đã nghiên cứu, thí nghiệm trên 2 loại giống, đó là giống lợn đen bản địa và giống lợn ngoại thương phẩm với số lượng 72 con (trong đó, có 36 con lợn đen bản địa và 36 con lợn ngoại). Thí nghiệm được thiết kế với 4 lô /1 giống lợn, tương ứng với 3 mức bổ sung bột lá chè xanh vào trong khẩu phần ăn cho lợn và 1 lô đối chứng. Mỗi lô thí nghiệm có 9 con lợn, đảm bảo các yếu tố đồng đều về giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng. Lợn ở mỗi ô thí nghiệm được cho ăn khẩu phần giống nhau, là thức ăn sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên (cám gạo, cám ngô, đậu tương, khoáng - vitamin tổng hợp…). Thức ăn sau khi phối trộn được đem đi ủ chua trong 24h, trước khi cho lợn ăn sẽ bổ sung tinh bột chè xanh Thái Nguyên theo tỷ lệ 1%; 3% và 5%.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đạt, Chủ nhiệm Đề tài |
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đạt, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Chúng tôi tạo ra cái sản phẩm mà bột trà thì bổ sung vào thức ăn cho lợn là khi mà bà con đã thu lại những cái lá chè già, chặt cả cây. Sau đó được chuyển về Công ty Trà Đại Từ, sau đó thì tiến hành sấy qua 1 lượt ở nhiệt độ khoảng 65 độ C, sau đó sẽ tiến hành tách cái cái cọng trà và lá trà riêng, lá trà sẽ được tiếp tục sấy lần thứ 2 trong nhiệt độ khoảng 65 độ C cho đến khô. Sau khi mà lá trà khô thì sẽ được tiến hành nghiền và chuyển về cơ sở chăn nuôi, tại cơ sở chăn nuôi, chúng tôi sử dụng cái bột lá trà kết hợp với lại các loại nguyên liệu từ thực vật để phối trộn lên cái khẩu phần ăn cho lợn.
Sau 6 tháng nuôi thí nghiệm, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá chất lượng và năng suất thịt: Cụ thể, trọng lượng đối với lợn ngoại thương phẩm đạt trung bình 108,54 kg; lợn đen bản địa đạt trung bình 46,59 kg; tỷ lệ nuôi sống đến kỳ xuất chuồng đạt 100%. Lợn nuôi từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh cho tỷ lệ thịt, nhất là thịt nạc tăng, độ dày mỡ lưng giảm, khả năng giữ nước của cơ, tỷ lệ protein trong thịt tăng, không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng. Ngoài ra, việc bổ sung bột lá chè xanh vào khẩu phần ăn của lợn thịt, không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của đàn lợn. Đặc biệt, nhóm lợn được bổ sung chè xanh có khả năng miễn dịch cao hơn, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hoá.
Tiến sỹ Phạm Thu Trang, Thành viên Đề tài |
Tiến sỹ Phạm Thu Trang, Thành viên Đề tài cho biết: Quá trình mổ khảo sát thì chúng tôi đã thực hiện ở lò mỏ đạt tiêu chuẩn của tỉnh, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ chính nhưng nơi thu mua và thịt lợn từ nơi khác, họ nhận thấy rằng cái sản phẩm của chúng tôi rất đảm bảo an toàn và họ mong muốn nếu sau này sản phẩm mà được nhân rộng ở các cái mô hình, người ta còn muốn mình cung cấp lâu dài.
Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng, hoạt động nghiên cứu rất thiết thực, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm, là tiền đề tạo ra thực phẩm cao cấp gắn với thương hiệu trà Thái Nguyên. Đây là tiền đề để nâng cao giá trị thịt lợn, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Trên cơ sở kết quả thí nghiệm, đề tài đang triển khai giai đoạn 2, đó là xây dựng mô hình thử nghiệm chăn nuôi lợn thương phẩm tại các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với quy mô hơn 500 con, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ nuôi 200 con.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân, Phổ Yên, Thái Nguyên |
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân, Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: Đề án của tỉnh là chăn nuôi lợn bản địa bằng cái chất liệu có bột trà xanh, theo tôi được biết, đã thử nghiệm và chất lượng là thịt ngon, cho nên tôi cũng rất hào hứng đón nhận công nghệ đó và trước hết là để phục vụ cho Đề án đó và sau đó là phục vụ cho chính Công ty nhà mình để làm sao phát triển hơn và có cái thực phẩm sạch đưa ra ngoài thị trường.
Ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thái Nguyên |
Ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thái Nguyên cho biết: Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Nông Lâm sẽ hỗ trợ về công nghệ, quy trình thức ăn chăn nuôi. Các huyện sẽ lồng ghép các chương trình, tùy điều kiện của tình hình thực tế để hỗ trợ các hộ chăn nuôi thực hiện nuôi lợn chè xanh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo đến các sở, ban, ngành như Sở Công thương để làm việc với các đơn vị, tập đoàn lớn, các siêu thị lớn để đặt hàng đầu ra là lợn trà xanh để người nuôi có thể bán được với giá cao cũng như là được tiêu thụ.
Sau khi thực hiện thử nghiệm giai đoạn 2 thành công, quy trình chăn nuôi lợn từ thức ăn có bổ sung chè xanh Thái Nguyên sẽ tiếp tục được hoàn thiện, làm cơ sở để ban hành quy trình chính thức, phát triển nhân rộng ra toàn tỉnh. Đồng thời, sẽ thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với quy trình chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn có bổ sung chè xanh Thái Nguyên, từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho trà Thái Nguyên, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.