Tiếp tục quan tâm vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Niềm vui của bà con xóm Nác, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai khi có nước sạch sinh hoạt. |
Xóm Nác, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai là một trong số địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên. Thời gian qua, từ các chính sách đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương này đã được đầu tư một số công trình phục vụ đời sống dân sinh, đem lại những đổi thay trong cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Chị Triệu Thị Thu, xóm Nác, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai chia sẻ: "Từ khi nước sinh hoạt dễ dàng hơn, tôi không phải dùng nước ở trên khe núi nữa".
Ông Triệu Văn Lưu, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Nác, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai cho biết: "Nước rất mạnh, sử dụng ổn định, cảm ơn Đảng và Nhà nước đầu tư cấp nước sạch cho bà con sinh hoạt".
Còn ở xóm Ba Họ, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, con đường mơ ước hàng chục năm nay của bà con người Dao nơi đây đã trở thành hiện thực. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường lên xóm Ba Họ đã đảm bảo giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Toàn cảnh con đường được bê tông hoá của xóm Ba Họ, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương. |
Chị Dương Thị Hường, xóm Ba Họ, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương vui vẻ: "Giờ có đường bê tông rồi bà con đi lại dễ dàng hơn, chúng tôi rất phấn khởi".
Quan tâm phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua. Giai đoạn 2019 - 2014 là giai đoạn chuyển tiếp song song cùng thực hiện 14 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc với các chương trình như: Chương trình 135, “Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi”; các đề án về “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”, “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; các “Chính sách về Lâm nghiệp”; “bố trí ổn định dân cư”; đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, tín dụng chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Nhờ vậy, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc miền núi được hoàn thiện với 100% các xã trên toàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, 99% các xóm được cứng hoá đường đến trung tâm xã; đạt 100% các chỉ tiêu về điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, giáo dục đào tạo, y tế; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS số và miền núi trong giai đoạn giảm 5,1%; có thêm 7/15 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Nhà văn hoá xóm Bản Tèn được xây dựng khang trang. |
Ông Vương Văn Minh, Xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên: "Tin tưởng vào Đảng và Nhà nước đầu tư để các hộ dân chúng tôi được cải thiện".
Mặc dù trong giai đoạn có những thời điểm bị tác động của thiên tai, dịch bệnh, song những thành tựu đạt được đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ chính quyền đối với công tác dân tộc, thu hút được đồng bào sinh sống tại 110 xã vùng DTTS và miền núi” tham gia tích cực, tạo nên bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi mới, phát triển.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đánh giá: "Ttrong những năm qua việc thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc của tỉnh Thái Nguyên là một trong số các tỉnh thực hiện chính sách dân tộc rất tốt; có rất nhiều chính sách ưu việt để phát triển kinh tế xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên".
Nhìn lại 5 năm công tác dân tộc của tỉnh Thái Nguyên, với tiền đề từ những chính sách chung và đặc thù ở các giai đoạn trước, từ nhiệm vụ, giải pháp công tác dân tộc do Đại hội ĐB DTTS lần thứ III - năm 2019 thông qua, cho thấy sự lựa chọn đúng đắn các mục tiêu phát triển của vùng đồng bào các DTTS tỉnh Thái Nguyên; đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực của đồng bào các DTTS và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thực hiện công tác dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước./.