Đổi thay từ một dự án
Khu nhà trưng bày chè tại xóm Phú nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương

Khu nhà trưng bày chè 2 tầng, xây dựng trên diện tích 300m2 được Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc tài trợ tại xóm Phú nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Từ khu nhà trưng bày này, sản phẩm chè của bà con có cơ hội tiếp cận với nhiều người và cũng là nơi để tập hợp các hội viên của hợp tác Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam để nâng cao nhận thức rõ về sản xuất bài bản. Hợp tác xã hiện có 12 hộ tham gia với 15 ha chè tập trung, áp dụng sản xuất theo quy trình VietGap và hướng tới hữu cơ. Từ việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, người dân đã thay đổi về ý thức sản xuất nông nghiệp và đưa ra những hướng sản xuất hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1, Thái Nguyên cho biết: “Từ khi dự án được Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc tài trợ tại xóm Phú nam 1 nói chung và Hợp tác xã chúng tôi nói riêng, bà con nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Ý thức thay đổi hẳn. Bà con mong muốn làm ra sản phẩm tốt, xuất bán đi nhiều địa phương và nhiều nước trên thế giới”.

Sông Công là một trong những địa phương có kết nghĩa hợp tác với tỉnh Mun kiêng của Hàn Quốc và cũng là địa phương hiện nay có dự án phát triển du lịch cộng đồng vẫn đang trong giai đoạn thực hiện theo cam kết từ phía Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc. Để hình thành các sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP đang là hướng đi mạnh dạn được địa phương này quan tâm thực hiện với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau.

Ông Phan Văn Chính, Bí thư chi bộ xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, TP Sông Công thông tin: “Trong 2 năm triển khai xây dựng là 2 năm xảy ra dịch bệnh nên thật sự rất khó khăn với sự phát triển hoạt động du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đạt được những kết quả nhất định. Một số gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư và từ nguồn lực của bản thân đã xây dựng 1 số công trình để làm du lịch”.

Đây chỉ là 2 trong số những hoạt động mà Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc triển khai tại Thái Nguyên. Từ năm 2014 đến nay, các hoạt động của quỹ như hỗ trợ người dân xây dựng công trình nhà văn hóa, cải thiện cơ sở vật chất, hệ thống chiếu sáng, hỗ trợ công cụ sản xuất, phát triển các hợp tác xã. Có thể nói, mô hình Làng mới Saemaul đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tạo sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sông Công cho rằng: “Thông qua việc triển khai Quỹ Toàn cầu Nông thôn mới của Hàn Quốc đã xây dựng được quỹ. Và qua quá trình triển khai thực hiện đã xây dựng được sản vật của địa phương gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Địa phương đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế thương mại cho cây trồng mũi nhọn”.

Ông Phùng Thanh Hà, chủ tịch UBND xã Phú Đô, huyện Phú Lương cho biết: “Sau khi tiếp nhận và được sự hỗ trợ của dự án thì chúng tôi đến cuối năm 2021 sẽ có 1 xóm về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2022 sẽ tiếp tục xây dựng nhiều xã như vậy”.

Được biết, trong thời gian tới, Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc sẽ tập trung nghiên cứu và định hướng tập hợp, liên kết tất cả các Hợp tác xã Saemaul ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, trở thành một liên minh hợp tác xã; xây dựng các xóm thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động, và mô hình phát triển các sản phẩm văn hóa đặc trưng trên địa bàn Thái Nguyên.

Ông Kwak Busung, Giám đốc Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc nhận xét: “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp của chính quyền và người dân các địa phương trong triển khai dự án. Mục tiêu của các dự án nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc gia tăng thu nhập cho người dân bởi các vùng nông thôn khó có điều kiện tiếp cận thị trường vì căn bản họ không đủ thông tin và kênh bán hàng.”

Dự án Làng mới Saemaul đã mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân, cộng đồng, đóng góp vào công cuộc phát triển phong trào nông thôn mới tại Việt Nam nói chung và tại nhiều địa phương nói riêng. Những mô hình Saemaul được triển khai tại các vùng của Thái Nguyên đang hứa hẹn về một hình mẫu xây dựng nông thôn mới ở vùng cao cho nhiều nơi đến tham quan học tập.