Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 21 tỉnh, hơn 65.000 con lợn bị tiêu hủy
Tại cuộc họp ra mắt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay (26/3) tại Hà Nội, các đại biểu nhất trí cao về việc trình Chính phủ Dự thảo đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị ngăn chặn và khống chế dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. |
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 447 xã, của 84 huyện, thuộc 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 65.000 con.
Nhấn mạnh đến dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, với nhiều con đường lan truyền, hiện chưa có vắc xin phòng và chữa bệnh, các đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ dịch bệnh có thể lan ra ở rất nhiều địa phương. Ngoài ra, mầm bệnh có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, nguy cơ tái phát trở lại rất cao nếu chủ quan, lơ là.
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với quyết liệt và đồng bộ các giải pháp khống chế và ngăn chặn dịch cũng cần phải quan tâm đến các cơ chế hỗ trợ về ngân hàng, tái đàn khi dịch được khống chế đảm bảo nguồn thực phẩm cho cuối năm.
"Chăn nuôi hiện nay đóng góp lớn cho khu vực nông nghiệp, trong khi đó các trại chăn nuôi vay tiền ngân hàng rất nhiều thì phải có giải pháp để khoanh nợ, giãn nỡ gỡ khó cho các hộ chăn nuôi. Chứ nếu cứ đi lo dịch cuối năm thì thế nào. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tính đến việc tái đàn, sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới thì thông báo thế nào để còn tái đàn chứ không tình hình hiện nay chỉ quan tâm chống dịch mà không tính đến cuối năm thì rất khó khăn" - ông Minh nói.
Trên cơ sở nhận định và dự báo về diễn biến dịch tả lợn châu Phi, nhiều đại biểu cho rằng, việc chống dịch sẽ diễn ra lâu dài vì vậy cần xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi để các thành viên phối hợp chặt chẽ, huy động nguồn lực hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp chống dịch và chăn nuôi bền vững, trong đó cần chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp lâu dài và quyết định. Ban chỉ đạo cũng đề xuất Dự thảo trình Chính phủ đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị ngăn chặn và khống chế dịch bệnh.
Các đại biểu đóng góp ý kiến. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: "Phải xác định thích ứng không thể tiêu diệt vi rút trong thời gian ngắn, thế giới hiện nay cũng chưa có vắc xin chống loại vi rút này vì vậy phải tìm cách thích ứng. Ở đây là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các biện pháp tổng hợp cùng với những giải pháp trước mắt và lâu dài. Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp lâu dài trong đó có giải pháp về vắc xin. Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Chỉ thị trình báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kèm theo Dự thảo Chỉ thị trình Ban Bí thư".