Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Ông Đỗ Minh Phương thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại khu vực chuồng trại của gia đình.

Gia đình ông Đỗ Minh Phương, ở xóm Bá Vân 1, xã Bình Sơn, TP Sông Công vừa phải tiêu hủy 63 con lợn bị mắc bệnh tả lợn châu Phi theo đúng quy trình. Để ngăn chặn dịch bùng phát, những ngày này, gia đình ông đã phun hóa chất tiêu độc, khử trùng theo quy định của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Ông Phương chia sẻ: “Đến giờ phút này, tôi nghĩ rằng, việc chăn nuôi nếu không chấp hành, tuân thủ theo các nguyên tắc thì khó khăn lắm”.

Theo ông Ngô Văn Bá, Trưởng phòng Kinh tế, TP. Sông Công, hiện thành phố đã tiến hành lập các chốt kiểm dịch để tăng cường công tác phòng, chống dịch: “Thành lập 3 chốt để đảm bảo việc quản lý chặt chẽ việc một số hộ vận chuyển gia súc, gia cầm; nâng cao ý thức của người dân”.

Còn tại Phổ Yên, từ ngày 27/10 đến 9/11 vừa qua, gần 150 con lợn của gần 100 hộ dân thuộc 11 xã đã bị tiêu huỷ. Phổ Yên là địa phương có số lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi phải tiêu huỷ nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, trong đó, Đông Cao là địa phương đầu tiên công bố dịch. Do vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.

Ông Vũ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên cho biết: “Tập trung cung cấp vôi bột, hóa chất, và chỉ đạo người dân ngày phun thuốc 2 lần để khử trùng tiêu độc”.

Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Thị xã Phổ Yên đang tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Ngay sau khi dịch bệnh tái phát trên đàn lợn, thị xã Phổ Yên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường thực hiện cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch, cấp hơn 5.500 lít hóa chất để các địa phương triển khai phun khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi, nơi có dịch bùng phát.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Phổ Yên, thông tin thêm: “Phòng Kinh tế chúng tôi đã tham mưu cho Thị ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác, sự lãnh đạo của Đảng về phòng chống dịch bệnh”.

Ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cũng cho biết: “UBND thị xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực tiếp về kiểm tra hướng dẫn và làm quy trình thủ tục để xét nghiệm, lấy mẫu theo quy định; hướng dẫn đến bà con nhân dân để thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống”.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, trong tháng 10 và tháng 11, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại 3 địa phương và đã tiêu huỷ 253 con lợn với tổng trọng lượng trên 9,5 tấn. Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đưa ra khuyến cáo: “Khuyến cáo trước tiên là các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh và thực hiện theo đúng chỉ dẫn, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chuyên ngành cấp tỉnh cấp địa phương. Và đặc biệt, người dân phải thực hiện khai báo, kê khai theo đúng quy định Thông tư 23 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc khai báo, kê khai với chính quyền địa phương trước khi thực hiện tái đàn và nhập đàn về. Điều nữa là khi bà con phát hiện ra lợn có dấu hiệu ốm hoặc chết, phải nhanh chóng báo cáo với chính quyền địa phương để cơ quan chuyên môn đến lấy mẫu và phân tích. Tiếp theo là có biện pháp xử lý dịch kịp thời”.

Để hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân trong việc giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh. ngành chức năng cũng cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tái đàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.