Để chọn người tài, loại cán bộ “vô tích sự”, cứ thi như thời xưa?
Thi sát hạch hàng năm thì “con ông trời” cũng bị loại
Cán bộ, công chức nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp không còn phải là điều hiếm. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hiện tượng này khá phổ biến.
Họ dựa vào vị thế công tác của mình để vòi vĩnh, sách nhiễu doanh nghiệp, nhân dân để thu lợi bất chính.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau, nguyên nhân của căn nguyên này là do họ có phẩm hạnh không tốt.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân |
“Vấn đề này liên quan đến đạo đức công vụ. Do chúng ta chưa quy định chặt chẽ đối với từng hành vi công vụ đối với từng người dẫn đến sự nhũng nhiễu nhưng không bị xử lý. Nó làm cho hình ảnh Nhà nước, quản lý trật tự công xấu đi trong lòng của nhân dân”, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.
Liên quan đến mục tiêu tinh giản biên chế đối với một số cán bộ, công chức, một số ý kiến cho rằng, việc này khó thực hiện, ông Vân cho hay: “Làm được hay không là ở sự quyết tâm và biện pháp thực hiện”.
Để loại bỏ những cán bộ “vô tích sự”, đại biểu Quốc hội cho rằng thường xuyên sát hạch bằng công cụ pháp luật.
Tiêu chí đánh giá đó sẽ thông qua từng hành vi công vụ ở từng vị trí cụ thể để chấm điểm hàng năm và lấy đó làm cơ sở loại bỏ cán bộ “vô tích sự”.
“Ví dụ như điểm về chấp hành thời gian hành chính, hay là điểm thực hiện nhiệm vụ được giao. Quá hạn không làm được thì anh bị trừ điểm. Hay là thực thi nhiệm vụ có chất lượng hay không, giao cho anh soạn thảo văn bản anh không làm được. Giao cho anh xuống xử lý công việc cơ sở anh không làm được. Đấy những là tiêu chí để hạ điểm chuẩn. Và căn cứ tổng kết cuối cùng tổng kết 6 tháng hay 1 năm để loại khỏi bộ máy Nhà nước”.
“Đấy là chưa nói đến đánh giá đạo đức của anh. Khi có đơn của dân, doanh nghiệp phản ánh một cán bộ công chức nào đó nhũng nhiễu. Nếu có bằng chứng, nhẹ thì loại bỏ, sa thải. Nặng thì cách chức, đuổi việc. Hoặc trừng trị bằng những chế tài khác, nhẹ thì dân sự nặng thì hình sự. Có như thế mới răn đe được”, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, bằng cách thi tuyển sát hạch hàng năm thì cán bộ công chức có là “con ông trời” cũng bị loại.
“Cơ bản đề thi anh ra kiểu gì. Nếu đề thi mở xảy ra tình huống buộc anh sáng tạo và ngồi trong phòng thi thì ai mà cứu được anh”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu quan điểm.
Hiện nay, năm nào công chức, viên chức đều có đánh giá. Phương pháp này, là dựa vào tự kiểm điểm của từng cán bộ công chức, dựa vào đánh giá của tập thể. “Người ta nhường nhịn nhau, né tránh nhau, thỏa hiệp với nhau để tất cả đều tốt cả”, đại biểu Quốc hội nói.
Thi kiểu phong kiến mới chọn được nhân tài
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, để chọn được người tài, chúng ta sử dụng biện pháp thi tuyển.
Thi tuyển phải sáng tạo thì mới chọn được người tài |
Thi tuyển cũng phải đổi mới, phải sáng tạo chứ không phải cho đề thi trong một đề cương có sẵn như hiện nay.
Xưa thời phong kiến, thi chọn quan lại chỉ có 4 môn: Thứ nhất là kinh văn – là môn lý luận cầm chương trích cú buộc phải học. Cái đấy gọi là lý luận chính trị để ngăn cấm tài liệu buộc phải nhớ như cẩm nang.
Thứ hai là môn thi phú để sĩ tử cảm nhận được tâm hồn mình với xã hội, đó là hoàn toàn cảm xúc của bản thân.
Thứ ba là chế chiếu, tức là ra anh một tình huống để sĩ tử hoàn thành một văn bản pháp luật. Cái đấy cũng không có công thức sẵn.
Thứ tư là môn văn sách hiến kế trị quốc. Môn này đưa ra một tình huống để anh hiến kế cho quốc gia đất nước. “Môn này thì lấy đâu ra giáo trình”, đại biểu Lê Thanh Vân lý giải.
Theo đại biểu đoàn Cà Mau, nếu thi như người xưa thì loại bỏ được khối cán bộ “vô tích sự”.
Lâu nay việc thi cử của chúng ta không chặt. Chúng ta dạy thế nào thì buộc người thi phải làm như thế, thậm chí cho đem giáo trình, cho đem tài liệu vào.
Bên cạnh đó, người chấm thi cũng phải có đủ trình độ nhận biết được sự sáng tạo, năng lực thực tiễn của người thi.
Nếu làm được như thế thì mới chọn được cán bộ năng lực, loại bỏ được cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Hiện nay đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, bởi vậy trong công tác cán bộ chúng ta phải tạo cơ chế minh bạch, công bằng để mọi người trong xã hội có cơ hội thi tuyển vào làm cán bộ Nhà nước.
“Như Thủ tướng từng nói phải làm sao để con một người nông dân có thể làm lãnh đạo. Muốn thế thì phải rạch ròi trong thi tuyển”, đại biểu Quốc hội cho hay.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có đạo luật trọng dụng nhân tài. Đây là cái chúng ta chưa làm được so với thời đại phong kiến khai sáng như các vị minh quân trong lịch sử.
Ngày xưa vua Lê Thánh Tông, nhà Nguyễn, vua Quang Trung đều có chiếu cầu hiền.
“Bác Hồ sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công cũng có 2 bức thư gửi các tỉnh tiến cử nhân tài. Đó cũng là chiếu cầu hiền. Tại sao chúng ta không có chiếu cầu hiền, để chọn nhân tài. Mà chọn người tài thì phải thực bụng, chí tâm. Cầu hiền không phải ra lệnh họ đến”, ông Lê Thanh Vân phân tích./.