Bàn về công tác xây dựng xã hội học tập, một số đại biểu cho rằng thành tích nổi bật của ngành giáo dục là đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, sinh viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương; một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo. Cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị về chất lượng thẩm định sách giáo khoa
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Đại biểu cũng cho rằng việc tinh giản biên chế 10% chưa phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ vấn đề này và báo cáo Chính phủ để có định hướng phù hợp.

Một hạn chế rất đáng quan tâm là việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu Quốc hội dẫn nhận định nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam học tập, tham khảo rất nhiều nước và áp dụng mỗi nơi một ít vào chương trình giáo dục đổi mới, vì vậy, sách giáo khoa, khi biên soạn cũng bị gọt đẽo theo một hệ thống chưa hoàn thiện.

Với những phân tích nêu trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn; đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là trẻ em; phải đảm bảo các quyền của trẻ em thông qua giảng dạy văn hóa, được bảo vệ và thực thi nghiêm túc.

Cùng với đó, có thể cân nhắc cho dừng sử dụng những cuốn sách giáo khoa có chất lượng thấp. Đại biểu cho rằng, lỗi sai về trách nhiệm phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh từng khâu, từng cấp, từng bộ phận; không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm./.