Đào tạo 9.000 tiến sĩ: Cần đánh giá lại hiệu quả
Dự kiến dành 12.000 tỷ đồng để đào tạo 7.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thu hút thêm 1.500 tiến sĩ các nơi đến giảng dạy ở các trường trường ĐH; đồng thời bồi dưỡng cho giảng viên và cán bộ quản lý các trường ĐH đạt chuẩn... đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Vấn đề đặt ra là đào tạo, thu hút người có trình độ cao giảng dạy ở các trường ĐH như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?.
Nên giao việc đào tạo tiến sĩ cho từng ngành, địa phương
Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đồng ý với việc Bộ GD-ĐT tăng cường nâng cao trình độ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, trước khi đưa ra dự thảo đề án đào tạo tiến sĩ mới, Bộ GD-ĐT cần đánh giá lại hiệu quả đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua như thế nào để định hình cách thức đào tạo, thút hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới sát thực hơn.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, thay vì đào tạo tràn lan như hiện nay thì Chính phủ hãy cho từng ngành và địa phương đề xuất số lượng đào tạo là bao nhiêu người dựa trên nhu cầu thực tế, sát thực hơn.
Ví dụ như thủ đô Hà Nội hay TP HCM đang rất cần nhiều tiến sĩ am hiểu quản lý đô thị, thành phố thông minh. Các địa phương khác có thể là nhu cầu tiến sĩ hiểu biết về nông-lâm nghiệp, thủy sản... Dựa trên nhu cầu thực tế, Bộ GD-ĐT sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho từng ngành, địa phương một cách hiệu quả nhất.
Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội |
Nước ta có rất nhiều tiến sĩ nhưng có một thực tế là chúng ta đang thiếu các nhà khoa học “đứng mũi chịu sào” trên các lĩnh vực để giải quyết các vấn đề dân sinh.
Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nguồn giống cây con, cây trồng còn đang rất hạn chế, ít cho năng suất chất lượng để đảm bảo cạnh tranh so với các nước khác. Ngoài ra, hiện nay, chúng ta có một lực lượng tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực cơ khí nhưng việc chế tạo máy móc của nước ta còn hạn chế.
Trước những bất cập trên, theo ông Ngọ Duy Hiểu, ngành Giáo dục và các Bộ, ngành, địa phương không nên đặt vấn đề thiếu số lượng tiến sĩ mà nên tập trung đầu tư cho những nhà khoa học có trình độ cao nghiên cứu, sáng tạo những lĩnh vực mà nước ta còn hạn chế, giải quyết được các vấn đề dân sinh. Ngoài ra, cần xem xét sử dụng nguồn nhân lực tiến sĩ hiện tại như thế nào cho hiệu quả nhất để họ phát huy được năng lực, sở trường của mình.
Thu hút tiến sĩ chất lượng cao giảng dạy ở trường ĐH bằng cách nào?
Hiện nay, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ nhưng chỉ có trên 16.500 người là giảng viên ở các trường ĐH. Để thu hút người có trình độ cao vào giảng dạy ở các trường ĐH, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, so với các nước trên thế giới đúng là hiện nay, Việt Nam có số lượng tiến sĩ không trực tiếp giảng dạy ở các trường ĐH, học viện tương đối lớn. Số lượng này đang làm việc ở các khu vực quản lý hành chính, cơ quan Đảng, đoàn thể...
Bất cập này khiến các cơ quan, ban ngành cần có định hướng chuyển dần và nhiều hơn số lượng tiến sĩ đang làm việc ở những cơ quan trên sang giảng dạy ở các trường ĐH. Trong định hướng phát triển giáo dục thời gian tới, Chính phủ chỉ nên ưu tiên dành kinh phí cho việc đào tạo giảng viên đạt trình độ tiến sĩ và phát triển cán bộ nghiên cứu khoa học.
Còn khu vực quản lý, hành chính thì cần theo hướng không khuyến khích tăng. Đối với lĩnh vực này, chúng ta chỉ cần những người có lý luận tốt và thực hành giỏi để họ nâng cao năng lực làm việc tốt hơn thuần túy là dựa trên tấm bằng tiến sĩ.
Có ý kiến cho rằng, vì thực hiện luân chuyển cán bộ nên có những nhà nghiên cứu giỏi lại chuyển sang làm quản lý Nhà nước khi chuyên môn đạt độ chín muồi. Như vậy sẽ lãng phí nguồn lực chất lượng có chuyên môn cao để sáng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học thiết thực cho đất nước.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: NVCC) |
Phản bác lại thông tin trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, chuyên viên cao cấp của Bộ GD-ĐT cho rằng, thực tế là hiện nay số lượng tiến sĩ, nhà khoa học giỏi làm việc ở các trường ĐH, học viện chuyển sang làm quản lý Nhà nước khi chuyên môn đạt độ chín muồi không nhiều. Những nhà khoa học, nghiên cứu giỏi chuyển sang quản lý Nhà nước thực tế là di chuyển công tác sang đơn vị khác chứ không phải luân chuyển.
Thực tế hiện nay là nhiều người có học hàm, học vị cao say mê nghiên cứu khoa học chân chính, thích phản biện thẳng thắn, muốn cống hiến cho khoa học công nghệ và đào tạo nhân tài thì chưa hẳn là thích chuyển sang làm công tác quản lý Nhà nước.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy những giảng viên xuất sắc có trình độ tiến sĩ khi về cơ quan quản lý nhà nước nếu có điều kiện sẽ rất phát triển do họ có năng lực tư duy, phương pháp tiếp cận xử lý vấn đề, ngoại ngữ tốt, đặc biệt khả năng tự học sẽ giúp nhiều cho cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là chính sách thu hút họ thực sự chuyên tâm cho nghiên cứu khoa học, mang lại những công trình thiết thực phục vụ cho lợi ích của đất nước còn hạn chế. Nếu không có chính sách kịp thời thì nước ta sẽ kéo dài tình trạng “chảy máu chất xám”.
Ví dụ cơ chế tài chính đầu tư cho các nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu khoa học ở trong nước còn eo hẹp. Hiện nay, mỗi nghiên cứu sinh chỉ được hỗ trợ khoảng 10 đến 16 triệu đồng/người tùy theo ngành nghề nghiên cứu trong khi mức lương của chỉ có 5-7 triệu đồng/tháng mà họ lại phải bỏ thêm chi phí để học tập, nghiên cứu thì rất khó có thể chuyên tâm vào nghiên cứu một cách đạt chất lượng.
Đề cập tới việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao giảng dạy cũng như tham gia nghiên cứu khoa học, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, chính sách tài chính “rót” vào cơ sở đào tạo ĐH, học viện phải thay đổi. Theo đó, Nhà nước phải tăng kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh không phải như vài chục triệu/người nữa mà có thể lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ như đầu tư đưa nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.
Song song với đó, Bộ GD-ĐT cần rà soát lại chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, học viện đào tạo tiến sĩ bằng sự kiểm định khách quan. Những nơi nào đào tạo thực sự chất lượng thì mới cho giảng dạy. Mặt khác, đội ngũ giảng viên có học hàm như giáo sư, phó giáo sư cũng cần phải được kiểm duyệt. Người nào có trình độ, kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục mới và chưa thực sự vì học thuật thì có thể tước học hàm./.