Học viện KHXH phản hồi về hàng loạt sai phạm đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ
Bộ GD-ĐT vừa công bố kết luận thanh tra về Học viện Khoa học xã hội (KHXH). Kết luận nêu lên một số sai phạm của Học viện như phân công người hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh (NCS) không cùng ngành/chuyên ngành với NCS, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên thạc sĩ, NCS...
GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện KHXH đã trả lời phóng viên VOV.VN về kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bị phát hiện có nhiều sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ |
Người hướng dẫn cùng lúc nhiều học viên chỉ diễn ra trước tháng 8/2016
PV: Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra về Học viện KHXH, trong đó có nêu một số sai phạm của học viện như phân công người hướng dẫn học viên cao học, NCS không cùng ngành/chuyên ngành với NCS, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên thạc sĩ, NCS; Tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành. Xin ông cho biết tại sao Học viện lại xảy ra sự việc trên?
GS.TS Phạm Văn Đức: Trong giai đoạn trước tháng 8/2016, ở việc phân công người hướng dẫn học viên cao học, NCS không cùng ngành/chuyên ngành với NCS, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên thạc sĩ, NCS và tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành tại Học viện Khoa học xã hội theoKết luận số 43/KL-TTr ngày 28/07/2017 của Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT là đúng sự thật.
Kể từ ngày 1/9/2016, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội mới đã phát hiện, khắc phục, chấn chỉnh tình trạng trên và đã sửa chữa, khắc phục hoàn toàn các nội dung trên. Có thể khẳng định rằng, từ tháng 1/9/2016, ở Học viện Khoa học xã hội đã không còn tình trạng giáo viên hướng dẫn không cùng ngành/chuyên ngành với NCS, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên thạc sĩ, NCS; tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành.
PV:Từ năm 2015 đến nay, mặc dù mỗi năm học viện tuyển sinh từ 350 đến hơn 430 chỉ tiêu tiến sĩ nhưng chương trình đào tạo lại không đảm bảo một số yêu cầu mà quy chế quy định. Đặc biệt, Học viện chưa xây dựng ban hành xây dựng chuẩn đầu ra với chuyên ngành tiến sĩ. Những bất cập trên xuất phát từ đâu và hướng khắc phục của Học viện trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
GS.TS Phạm Văn Đức: Có thể khẳng định rằng, trước năm 2015, chương trình đào tạo tiến sĩ của Học viện KHXH đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và có đầy đủ nội dung các yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
Sau khi Thông tư 07/2015/BGĐT ngày 16/04/2015 của Bộ GD-ĐT được ban hành, Học viện KHXH chưa kịp thời bổ sung, cập nhật Chương trình đào tạo. Kể từ tháng 9/2016, các Chương trình đào tạo của các ngành Tiến sĩ của Học viện KHXH đã được cập nhật đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu, kỹ năng, chuẩn đầu ra theo Thông tư 07/2015/BGDDT ngày 16/04/2015 của Bộ GD-ĐT. Các NCS được xét tuyển tháng 8/2015 đang được học bổ sung các học phần theo quy định.
GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện KHXH |
Về việc thiết kế một số học phần chung cho các ngành đào tạo khác nhau là đúng. Sở dĩ như vậy là vì đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn mang tính chất liên ngành. Do đó, một số học phần cần được trang bị kiến thức chung cho nghiên cứu sinh ở các ngành khác nhau, chẳng hạn như các học phần: Những vấn đề cấp bách về khoa học xã hội, Thiết kế nghiên cứu khoa học xã hội… Bên cạnh đó, các học phần cơ sở và các học phần chuyên ngành được thiết kế theo các chuyên ngành cụ thể.
PV: Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT cho thấy, Học viện chưa kịp thời làm rõ cơ sở pháp lý về tính chất đặc thù về đội ngũ giảng viên cơ hữu trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm; tự xác định đội ngũ giảng viên cơ hữu. Ông có thể giải thích rõ hơn về việc trong khi đội ngũ giảng viên cơ hữu còn thiếu hoặc có chênh lệch theo hướng giảm so với lượng học viên mà việc tuyển sinh của học viên luôn vượt quá chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở một số khối ngành?
GS.TS Phạm Văn Đức: Học viện KHXH được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Học viện KHXH được giao quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của 17 cơ sở đào tạo trước đây thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) (đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học). Trong đó bao gồm: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.
Do đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Khoa học xã hội bao gồm toàn bộ giảng viên thuộc các Viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Trong Kết luận số 43/KL-TTr ngày 28/07/2017 của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm rõ đặc thù trong việc sử dụng cán bộ khoa học của toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Hàng năm, trên cơ sở đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Khoa học xã hội, Học viện Khoa học xã hội đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ GD-ĐT theo các quy định hiện hành và đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Năm 2017, Học viện Khoa học xã hội đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo tiêu chí trên.
Chất lượng luận án tiến sĩ, thạc sĩ đều không bị ảnh hưởng
PV:Dư luận xã hội đang lo ngại việc với kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT về việc Học viện đào tạo Thạc sĩ mà không có danh sách tên cán bộ chấm thi; Hội đồng đánh giá luận văn không đúng chuyên ngành; Luận án thiếu xác nhận của người hướng dẫn, thiếu ý kiến nhận xét của người phản biện thì các luận án tiến sĩ, thạc sĩ khó đảm bảo chất lượng. Ông nói gì về kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT cũng như những điều mà dư luận đang lo ngại?
GS.TS Phạm Văn Đức: Kể từ khi thành lập đến nay, trong các kỳ tuyển sinh, Giám đốc Học viện đều ban hành các Quyết định thành lập các Hội đồng, các Ban, Tiểu ban chuyên môn (kèm theo Danh sách các thành viên). Do những sơ suất về công tác lưu trữ, Phòng Quản lý đào tạo đã không lưu trữ đầy đủ theo quy định.
Siết chặt đào tạo tiến sĩ là việc làm cần thiết (Ảnh minh họa:Internet) |
Trong quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, các thầy, cô thành viên Hội đồng đều phải nộp và trình bày bản nhận xét của mình trước Hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Song trên thực tế, một số thầy, cô không ký hoặc không ghi thời gian vào các bản nhận xét. Tuy nhiên, việc đó không ảnh hưởng đến chất lượng của luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Từ trước đến nay, các luận án tiến sĩ được Bộ GD-ĐT tạo thẩm định về nội dung đều đáp ứng các yêu cầu.
Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ được thành lập đúng chuyên ngành. Trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học am hiểu trong lĩnh vực nghiên cứu đều được mời tham gia đánh giá luận văn và luận án trong các chuyên ngành tương ứng. Ví dụ như: PGS.TS Lê Phước Minh, chuyên ngành Quản lý kinh tế, hiện đang là Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục được mời tham gia đánh giá luận văn Thạc sĩ Quản lý giáo dục; Chuyên gia ngành Dân tộc học được mời đánh giá luận văn Thạc sĩ Nhân học (bởi vì Nhân học được tách ra từ chuyên ngành Dân tộc học); Chuyên gia ngành kinh tế, luật học được mời đánh giá luận văn Thạc sĩ Chính sách công…
Từ tháng 9/2016, Học viện Khoa học xã hội đã rà soát, rút kinh nghiệm và đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ bảo vệ luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ.
PV: Với nhưng sai phạm trong xét tuyển, đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Học viện KHXH giải trình, kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra. Học viện đang thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT như thế nào?
GS.TS Phạm Văn Đức: Thực hiện Nghị quyết số 02/2016/NQ-ĐƯ của Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã bổ nhiệm 1 Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Khoa học xã hội thay thế Giám đốc Học viện Khoa học xã hội cũ.
Trong năm 2016, Học viện KHXH đã tổ chức giải trình, kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm trước khi có Kết luận Thanh tra. Cụ thể, đã xử lý bổ nhiệm một số Trưởng Khoa mới, thay đổi nhân sự Phòng Quản lý đào tạo, đã thuyên chuyển công tác các Trợ lý đào tạo của các Khoa để xảy ra sai phạm và báo cáo kịp thời cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!/.