Dự kiến dành 12.000 tỷ đồng để đào tạo 7.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thu hút thêm 1.500 tiến sĩ các nơi đến giảng dạy ở các trường trường ĐH, đồng thời bồi dưỡng cho giảng viên và cán bộ quản lý các trường ĐH đạt chuẩn.

Đó là mục tiêu được Bộ GD-ĐT đặt ra tại dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân.

PV: Xin ông cho biết ý kiến về dự thảo của Bộ GD-ĐT đề xuất dành 12.000 tỷ đồng đào tạo 7.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thu hút thêm 1.500 tiến sĩ từ ngoài đến các trường ĐH giảng dạy?

Ông Hoàng Văn Cường:

Trong đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, Bộ GD-ĐT đã có Đề án 322 và 911. Tuy nhiên, đến nay, Bộ muốn thay đổi phương thức đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ một cách phù hợp hơn các đề án trên thì chúng ta nên ủng hộ.

Bởi lẽ, đề án mới không lấy thêm kinh phí của Nhà nước mà thực hiện dựa trên kinh phí còn lại của đề án 911 và thêm 1.800 tỷ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng được thụ hưởng từ đề án. Cách thực hiện này sẽ tránh tình trạng có giảng viên không muốn đi học nhưng vì nhận được học bổng thì họ cứ đăng ký để đi; đồng thời giúp nghiên cứu sinh phải cân nhắc rất kỹ với số tiền bản thân sẽ bỏ ra để đi học ra ngoài sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước.

dao tao thu hut 9000 tien si kinh phi dao tao o trong nuoc qua it
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân

Trong số 9.000 tiến sĩ, ngành Giáo dục dự kiến đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới; đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định ở Việt Nam. Ngoài việc đào tạo thì ngành Giáo dục còn dành kinh phí để thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam.

Các hình thức đào tạo, thu hút tiến sĩ cũng rất linh hoạt vì sẽ có những người được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài, có người đào tạo ở trong nước và có người học theo sự liên kết giữa ở trong nước ngoài và trong nước.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc phân bổ số lượng giảng viên được cử đi học theo các hình thức, không nên chốt cứng mà có thể chuyển đổi được giữa các hình thức đào tạo khác nhau trên cơ sở đảm bảo nguồn ngân sách.

Nên hỗ trợ đào tạo 1 tiến sĩ ở trong nước với kinh phí 1 tỷ đồng

PV: Với tư cách là đại biểu Quốc hội và đứng đầu một trường ĐH đang được thí điểm thực hiện tự chủ tài chính, ông có đề xuất gì đối về việc đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH, học viện hiện nay?

Ông Hoàng Văn Cường:Điều bất hợp lý hiện nay là kinh phí để đào tạo tiến sĩ ở trong nước so với ở nước ngoài có sự bất hợp lý. Đó là một nghiên cứu sinh được cử đi đào tạo ở nước ngoài có thể được cơ quan Nhà nước hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng nhưng khi học trong nước chỉ được hỗ trợ chỉ khoảng 30 triệu đồng trong suốt thời gian học. Vì vậy, chất lượng tiến sĩ khó có thể đảm bảo được yêu cầu.

Theo tôi, khi Bộ GD-ĐT trình Chính phủ xem xét đề án đào tạo tiến sĩ mới thì phải xem xét lại kinh phí đầu tư đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Ví dụ như có thể hỗ trợ đào tạo 1 tiến sĩ ở trong nước với kinh phí là 1 tỷ đồng thay vì vài chục triệu đồng như hiện nay.

Để đào tạo tiến sĩ ở trong nước có chất lượng cao như tiến sĩ được đào ở nước ngoài thì Bộ GD-ĐT nên chọn lựa, đầu tư cho một vài trường ĐH, học viện trọng điểm hàng đầu phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học...

Khi trường ĐH, học viện được lựa chọn đầu tư đào tạo tiến sĩ giống như ở nước ngoài thì phải có sự lựa chọn, sàng lọc giảng viên được hưởng thụ kinh phí đào tạo như trên. Khi đào tạo xong, nghiên cứu sinh phải có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ như người được đào tạo ở nước ngoài, phải viết được các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, tham gia được các hội thảo quốc tế.

Cơ quan quản lý Nhà nước nên “đặt hàng” các trường ĐH, học viện đào tạo đào tạo một số lượng nghiên cứu sinh trở thành tiến sĩ giảng dạy cho trường với những tiêu chí cụ thể, đáp ứng được với tiêu chuẩn quốc tế.

Như vậy, sẽ giúp cho các trường ĐH, học viện nâng cao được năng lực đào tạo.

Người tài ra đi, rồi đến một lúc nào đó họ sẽ trở về

PV: Thưa ông, từ trước đến nay, một số tiến sĩ được cử đi nước ngoài học tập nhưng lại không quay trở về nước làm việc và họ sẵn sàng hoàn lại số tiền đã được nơi cử đi học. Quan điểm của ông về thực trạng này như thế nào và liệu đề án mới này có xảy ra việc như vậy không?

Ông Hoàng Văn Cường: Nếu đề án đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ được Chính phủ thông qua thì chuyện nghiên cứu sinh được cử đi nước ngoài học tập nhưng sau đó không về nước làm việc vẫn có thể lặp lại như trong đề án 322 và 911.

Nguyên nhân là vì có những người sau khi học tập xong cảm thấy ở nước ngoài có môi trường nghiên cứu, phát triển và thu nhập tốt hơn thì họ ở lại. Thậm chí, có người sẵn sàng trả lại khoản kinh phí mà Nhà nước đã bỏ ra để hỗ trợ họ đi học.

Tất nhiên là khi Nhà nước đầu tư kinh phí để đào tạo một tiến sĩ đều mong muốn họ quay trở về nước cống hiến cho quê hương.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, những người ở lại nước ngoài làm việc phải là những người có trình độ, năng lực thực sự. Họ có quyền lựa chọn việc ở lại nước ngoài hay trở về nước và chúng ta không thể cấm họ được. Về phía các cơ quan Nhà nước cũng không nên hạn chế họ.

Theo tôi, việc các nghiên cứu sinh không trở về nước mà hoàn lại khoản tiền cho nơi được cử đi học cũng là điều bình thường, chứ không hề làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Đến một lúc nào đó, họ sẽ mang tri thức, kinh nghiệm của mình cống hiến cho sự phát triển của đất nước bằng nhiều hình thức khác nhau.

Điều quan trọng trong việc đào tạo, thu hút tiến sĩ trở về nước làm việc là chúng ta phải có cơ chế chính sách để những giảng viên được cử đi học dù có ở lại nước ngoài làm việc thì đến một lúc nào đó sẽ quay trở về nước công tác hay thường xuyên có mối liên hệ với các cơ quan ở trong nước để ủng hộ, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!/.