Phản biện độc lập Tiến sĩ - siêu quyền lực khoa học
Ngày 4/4/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08 về “Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ” [1]. Với thông tư này Bộ giáo dục hy vọng sẽ có cuộc cách mạng nhằm nâng chuẩn Tiến sĩ Việt Nam ngang tầm Tiến sĩ ngoại ?.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn phản biện mức độ SIÊU QUYỀN LỰC KHOA HỌC của phản biện độc lập được thể hiện trong điều 17 & 18 của thông tư 08.
Sử dụng phản biện độc lập như là SIÊU QUYỀN LỰC KHOA HỌC là cách làm phản khoa học trong một thế giới văn minh. Vậy ai là người có quyền kiểm soát QUYỀN LỰC KHOA HỌC này đang là câu hỏi đang bỏ ngỏ. |
1. Phản biện độc lập - anh là ai, nhà khoa học, anh hùng “núp” ?
Theo điều 17 & 18, NCS sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp cơ sở và hoàn tất việc chỉnh sửa luận án theo góp ý của các thành viên Hội đồng, trước khi đưa ra bảo vệ luận án cấp trường, thủ trưởng cơ sở đào tạo sẽ chỉ định 02 phản biện độc lập có nhiệm vụ tiếp tục đánh giá lại luận án đã chỉnh sửa.
02 phản biện này không được lộ thân phận của mình và không ai được phép tìm hiểu phản biện. Do đó phản biện độc lập được xem là tài liệu mật, còn giới khoa học và NCS xem 2 phản biện độc lập như là Hội đồng khoa học giấu mặt, hội đồng khoa học hoạt động trong bóng tối.
Nhân chuyện phản biện độc lập, lời thơ của Tỗ Hữu ca ngợi anh hùng Trần Thị Lý “Em là ai cô gái hay nàng tiên” đã được chế thành “Phản biện độc lập- anh là ai, nhà khoa học hay anh hùng “núp”.
2. Phản biện độc lập – một SIÊU QUYỀN LỰC KHOA HỌC
Cho dù NCS đã báo cáo kết quả nghiên cứu ở bộ môn, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp cơ sở trước bảy nhà khoa học của Hội đồng, nhưng nếu 02 phản biện độc lập sau khi đọc luận án mà không đồng ý thông qua thì NCS sẽ bị buộc thôi học, đồng nghĩa 2 phản biện độc lập PHỦ NHẬN toàn bộ những nhận xét của bảy thành viên Hội đồng cấp cơ sở. Vì vậy có người nhận xét : Phản biện độc lập – SIÊU QUYỀN LỰC KHOA HỌC.
Sử dụng phản biện độc lập như là SIÊU QUYỀN LỰC KHOA HỌC là cách làm phản khoa học trong một thế giới văn minh. Vậy ai là người có quyền kiểm soát QUYỀN LỰC KHOA HỌC này đang là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
3. Phản biện độc lập- sản phẩm của chuyện khôi hài
Trước khi đưa Luận án cho phản biện độc lập, nhân viên bộ phận quản lý cơ sở đào tạo sẽ xóa tên NCS trên quyền luận án … nhằm mục đích phản biện độc lập không biết đang đọc luận án của NCS nào. Việc làm này của Bộ giáo dục là ẫu trĩ, trẻ con và quá coi thường người phản biện.
Trong thời đại Công nghệ thông tin, thời của CMCN 4.0, chỉ cần một click chuột từ khóa trong luận án đưa vào google là xác định được tên tác giả luận án. Giả sử phản biện độc lập cố tình không muốn biết tác giả luận án, cố tình không biết nơi nghiên cứu cũng như sản phẩm của luận án được công bố ở đâu … và giả sử phản biện độc lập thực sự không đủ trình độ biết đang đọc luận án của ai … người phản biện đó có đủ tầm là nhà khoa học để phán xét kẻ khác không ?
Một số NCS nhát gan rất sợ phản biện độc lập, còn mọi người thường sử dụng cụm từ “phản biện độc lập” để dọa nếu NCS không làm vừa ý mình, như người lớn thường dùng cụm từ “Ông Ba Bị đến kìa” để dọa trẻ con khi khóc.
4. Nhìn người mà ngẫm đến ta
Trong bài “Đào tạo tiến sĩ: “Phải bỏ ngay những thủ tục ngớ ngẩn” [2], tác giả Ngọc Hà đã nhắc đến lá thư ngỏ của Giáo sư Pierre Darriulat gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục với những chuyện nhiêu khê, “không giống ai” trong quy trình đào tạo Tiến sĩ Việt Nam.
Giáo sư Pierre Darriulat là một nhà Thiên văn nổi tiếng thế giới đã đến và làm việc tại Việt Nam nhiều năm, chia sẻ :”tôi đã từng hướng dẫn và đánh giá luận án tiến sĩ tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, nhưng chưa bao giờ gặp “những quy định phức tạp giống như ở VN” và cũng chưa bao giờ cảm thấy “những nhà quản lý học thuật lại thiếu niềm tin vào người hướng dẫn như VN.
Điều tôi quan tâm là phải giảm bớt đi những thủ tục ngớ ngẩn, gây phiền nhiễu cho các nhà khoa học chân chính, khiến nhiều nhà khoa học, nhà quản lý phải làm những việc vô ích mà chẳng làm tăng thêm chút gì cho chất lượng giáo dục”.
Giáo sư Pierre Darriulat khẳng định, ở các nước có tiềm lực khoa học hàng đầu thế giới, NCS chỉ bảo vệ như Hội đồng cấp cơ sở của Việt Nam là xong, không nhiêu khê qua phản biện độc lập rồi đến Hội đồng cấp Trường như Việt Nam.
5. Phản biện có thực sự cao siêu ?
Trong một lần được ngồi vào Hội đồng chấm điểm cuộc thi tranh tài của các ứng viên hài, Bảo Quốc (danh hài hàng đầu Việt Nam) đã đưa ra nhận xét bài thi của một ứng viên: Bài dự thi của em rất thông minh, rất xuất sắc. Tôi cho em điểm 9, có nghĩa tôi hiểu được 9/10 nội dung trình bày của em, còn 1/10 là nội dung tôi chưa hiểu, có thể nếu tôi hiểu nốt 1/10 còn lại tôi sẽ chấm 10 điểm !
Câu chuyện của danh hài Bảo Quốc đáng để cho các nhà khoa học chúng ta suy nghĩ. Trước hết cần phải có nhận thức một cách khách quan về phản biện nói chung, phản biện độc lập nói riêng. Phản biện cũng là “người trần mắt thịt” không phải là người siêu phàm, không phải là thần thánh đứng trên quyền lực khoa học.
Người phản biện cho dù có giỏi thế nào cũng không thể hiều hết tất cả các hướng chuyên sâu khoa học của người khác. Luận án Tiến sĩ là sáng tạo, đóng góp cái mới cho kho tàng khoa học của nhân loại. Người phản biện độc lập do “giấu mặt” không được iếp xúc trao đổi tương tác với NCS và tập thể hướng dẫn nên rất khó để hiểu đúng luận án Tiến sĩ.
Giáo sư Pierre Darriulat đưa ra một dẫn chứng, ở VN chỉ có hai chuyên gia là Đinh Văn Trung và Phan Bảo Ngọc đủ tầm đánh giá luận án Thiên văn vô tuyến. Nếu hội đồng cơ sở được 2 chuyên gia này thông qua rồi mà vẫn tiếp tục đưa luận án cho 2 người không phải chuyên gia Thiên văn vô tuyến (không cùng hướng chuyên sâu của NCS) làm phản biện độc lập thì phản biện độc lập trở nên hài hước.
Luận án Tiến sĩ không chỉ là sản phẩm khoa học của NCS mà còn là công sức trí tuệ của tập thể hướng dẫn, của thành quả khoa học nơi cơ sở đào tạo NCS. Và chỉ có NCS và tập thể hướng dẫn mới hiểu được chuyên sâu luận án đó. Người phản biện chỉ là người đánh giá luận án, và người đánh giá luận án phải đủ tầm khoa học mới có thể đưa ra kết luận chính xác.
Vậy ai là người dám khẳng định rằng, chỉ có phản biện độc lập là đánh giá chính xác luận án?
6. Kiểm soát “siêu quyền lực” của phản biện độc lập, những cách làm hay.
Cách đây 10 năm, cảnh sát giao thông không đứng công khai ở các ngã 4 có hệ thống điều khiển đèn giao thông mà đứng “bí mật” ở xa quan sát, khi có người vượt đèn đỏ thì lao ra chặn bắt phạt tiền. Hiện tượng này được người dân gọi là “anh hùng Núp”. Báo chí thời đó phê phán và đại biểu quốc hội chất vấn tại nghị trường …nên “anh hùng Núp” giao thông không còn đất sống.
Phản biện độc lập không công khai đứng trước trước hội đồng để nhận xét đánh giá luận án Tiến sĩ mà giấu mặt được xem như là “anh hùng Núp”. Khác với “anh hùng Núp” cảnh sát giao thông, “anh hùng Núp” phản biện độc lập rất ít người dám lên tiếng phản đối vì sợ … đụng chạm, nên qua nhiều lần cải tiến sửa đổi quy chế suốt 20 năm qua vẫn tồn tại “anh hung Núp” phản biện độc lập.
Mới đây nhất [3], Đại học Quốc gia Hà Nội đã mạnh dạn đưa ra quy chế đào tạo Tiến sĩ mới :” Với các nghiên cứu sinh là tác giả chính của tối thiểu 03 bài báo trên các tạp chí ISI với tổng chỉ số IF từ 3.0 trở lên và kết quả công bố phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án, được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện độc lập và thực hiện thẳng quy trình thành lập Hội đồng đánh giá luận án”. Vì giới khoa học Việt Nam đều thừa nhận “Chỉ những công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục các tạp chí ISI mới là sự kiểm chứng khách quan của quốc tế về chất lượng một luận án tiến sĩ”.
Tạp chí khoa học – Đại học Sư phạm Hà Nội có cách làm hay như sau. Tạp chí gửi bài báo khoa cho phản biện nhận xét & đánh giá. Lúc đầu tạp chí không công khai tên người phản biện cho tác giả bài báo. Khi cả 2 phản biện đều không đồng ý cho đăng bài báo khoa học đó và nếu tác giả bài báo chưa thỏa mãn, tạp chí tổ chức cho phản biện và tác giả gặp nhau cùng trao đổi đến khi tác giả bài báo tâm phục khẩu phục. Vì khoa học phải tường minh, phải thuyết phục, nhân văn không thể là úp úp mở mở như một trò chơi.
7. Kết luận
Sử dụng phản biện độc lập, đào tạo Tiến sĩ Việt nam đang trở nên thiếu minh bạch, lạc lõng không giống ai và tự nhốt mình trong ao làng.
Để kết thúc bài viết này tôi xin mượn lời của GS Hiệu trưởng ĐHSP HN [4] :”Đại học là bình đẳng và nghĩa vụ chúng ta là tạo môi trường bình đẳng cho mọi người trong một không gian học thuật thoáng đãng, một không gian văn hóa thấm đẫm cốt cách để đi ra với thế giới văn minh”.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ giáo dục & đào tạo, thông tư 08 ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo Tiến sĩ
2. Đào tạo tiến sĩ: “Phải bỏ ngay những thủ tục ngớ ngẩn”, https://tuoitre.vn/dao-tao-tien-si-phai-bo-ngay-nhung-thu-tuc-ngo-ngan-642805.htm
3. Hồng Hạnh, ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành Quy chế mới siết chặt đào tạo tiến sĩ http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dh-quoc-gia-ha-noi-ban-hanh-quy-che-moi-siet-chat-dao-tao-tien-si-2017120321474903.htm
4. http://www.hdcdgsnn.gov.vn/index.php/tin-tuc/tin-trong-nu-c/758-dia-n-v-n-nha-m-cha-c-hia-u-tr-a-ng-nhia-m-ka-2017-2022
PGS.TS Ngô Tứ Thành – Đại học Bách khoa Hà Nội