Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thái Nguyên chiếm một vị trí đặc biệt. Trong một lần về thăm, ông đã từng nói, Thái Nguyên như là quê hương thứ 2 của mình. |
2 bức ảnh: Trụ sở Việt Nam Giải phóng quân sau khi giành chính quyền tại Thái Nguyên và buổi lễ thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên vào ngày 20/8/1945 là những hiện vật còn lại đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam về Cuộc khởi nghĩa tháng 8 tại Thái Nguyên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người dẫn đầu đoàn quân giải phóng được Đảng, Bác Hồ giao thực hiện trọng trách này.
Trong cuốn Hồi ký của mình, Đại tướng đã viết về sự kiện này: Dân chúng Thái Nguyên và cả các vùng lân cận hết sức mừng rỡ khi được tin bộ đội giải phóng kéo đến. Họ ủng hộ bộ đội triệt để về mọi mặt, lương thực, tình báo, giao thông, vận tải, nhiệt liệt tham gia xây đắp hầm lũy khắp các đường phố. Ngay chiều 20/8, trong một cuộc mít tinh, chúng tôi thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật, thành lập chính quyền nhân dân, bắt đầu thi hành chính sách của Chính phủ lâm thời trong thị xã và trong toàn tỉnh.
Dấu ấn của Thái Nguyên với Đại tướng còn đặc biệt thể hiện trong giai đoạn 9 năm trường kỳ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán được âm mưu của thực dân Pháp và Người đã quyết định trở lại Việt Bắc để xây dựng An toàn khu kháng chiến ATK Định Hóa - Thái Nguyên được chọn là nơi đặt bản doanh của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội, Mặt trận Liên Việt ở và làm việc. Và một lần nữa, cơ duyên với Thái Nguyên đến khi Võ Nguyên Giáp được trao sứ mệnh chuẩn bị các điều kiện cho cuộc di chuyển quan trọng này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Thái Nguyên được Bác Hồ cho là căn cứ địa trong khu giải phóng... Lúc Cách mạng tháng Tám thành công, Bác có nói căn cứ địa Việt Bắc đã đưa chúng ta đến thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám, căn cứ địa Việt Bắc sẽ đưa chúng ta đến thắng lợi trong kháng chiến".
“9 năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Suốt cả giai đoạn khó khăn của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào Thái Nguyên đã đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng lực lượng non trẻ của quân đội ta, trong đó có người tổng chỉ huy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; để rồi từ đây ghi những dấu ấn thắng lợi của hàng loạt những chiến dịch quan trọng, làm tiền đề cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đại tá Nguyễn Bội Giong, Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giai đoạn 1948-1951 cho biết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện và kéo dài nhiều năm, trong suốt quá trình đó, Đại tướng đã sốngvà được bà con Thái Nguyên đùm bọc, quân đội do ông chỉ đạo cũng luôn ca ngợi nhân dân với bộ đội như anh em; nên vị trí về mặt tinh thần của Thái Nguyên rất lớn trong tấm lòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Với Thái Nguyên, ngay cả trong thời kỳ kháng chiến gian khổ hay khi thời bình, tấm lòng của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên với Đại tướng vẫn luôn son sắt, thủy chung, dành cho vị Đại tướng của nhân dân một tình cảm nồng ấm, một lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn kính đặc biệt.
Ông Ma Đình Khoa, nhân chứng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho hay: "Đối với nhân dân, đối với các đồng chí khác ở Định Hóa nói riêng và nhân dân Thái Nguyên nói chung đều rất trân trọng tình cảm đó".
Bà Nguyễn Thị Thành, ở xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình, huyện Định Hóa cho biết: "Các đồng chí đã lên chiến khu để thực hiện nhiệm vụ, nhân dân đều bảo vệ".
Đất nước hòa bình, nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Thái Nguyên với một tình cảm đặc biệt sâu đậm. Khi tuổi đã cao, có lần, ông bày tỏ mong muốn sẽ lựa chọn Thái Nguyên làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Dù sau này, Đại tướng chọn Vũng Chùa – Đảo Yến nơi quê hương Quảng Bình làm nơi yên nghỉ khi rời xa cõi tạm, song chắc chắn một điều rằng, hình ảnh Thái Nguyên đã ở trong trái tim của ông rất chân thành và giản dị, đậm sâu.
Ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: "Tâm nguyện lúc đầu của Đại tướng là về Thái Nguyên, sau này thì về Quảng Bình. Nhưng có thể nói, Thái Nguyên là quê hương thứ 2 của Đại tướng".
Ngay tại trung tâm thành phố, Quảng trường Võ Nguyên Giáp với 2 bức phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Thái Nguyên cũng được xây dựng như một tiếng lòng tri ân từ thủ đô gió ngàn gửi đến Đại tướng. |
Thái Nguyên ngày hôm nay – những địa danh ghi dấu ấn của cách mạng Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành những điểm di tích lịch sử quốc gia, địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Ngay tại trung tâm thành phố, Quảng trường Võ Nguyên Giáp với 2 bức phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Thái Nguyên cũng được xây dựng như một tiếng lòng tri ân từ thủ đô gió ngàn gửi đến Đại tướng. Thái Nguyên tự hào vì đã có một thời được bao bọc, chở che, bảo vệ, tạo điều kiện xây dựng lực lượng cho cách mạng, và được là chứng nhân cho một trong những trang oai hùng nhất của dân tộc có gắn với tên tuổi vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp./.