Phẫn nộ "thầy" tiếng Anh “đá xéo” U23 Việt Nam và xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Mới đây, mạng xã hội xôn xao hình ảnh chụp lại đoạn bình luận mang tính khiếm nhã của Daniel Hauer (hay gọi tắt là Dan) với bạn bè khiến nhiều người bức xúc.
Theo đó, trong bài đăng của một người đàn ông nước ngoài nói rằng, nếu Việt Nam vô địch U23 châu Á, ông ta sẽ xăm hình lá cờ Việt Nam lên ngực nơi gần trái tim để ăn mừng.
Không đồng tình với cách làm của người đàn ông trên, Dan đã phản bác với lời lẽ khiếm nhã và xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay dưới bài viết đó.
Sự việc đã “đốt nóng” mạng xã hội. Nhiều độc giả và giáo viên rất bất bình bởi đây là một giáo viên, hiện đang dạy hàng trăm trẻ em, dạy cả về văn hóa trong và ngoài nước nhưng lại có lời lẽ khiếm nhã, phản giáo dục.
Đoạn bình luận khiếm nhã của Dan khiến rất nhiều người Việt vô cùng bức xúc. |
Trao đổi với PV Dân trí sáng 26/1, cô Văn Thùy Dương, con gái cố PGS Văn Như Cương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) rất bức xúc.
Cô chia sẻ: "Những người làm nghề giáo, làm điều gì cũng phải tự nhủ và nghĩ mình đang đứng trên cương vị người Thày, sẽ có nhiều học sinh mình nhìn điều mình làm và học tập.
Một khi anh Dan đã không ý thức mà làm những điều như thế, bản thân anh ta đã không xứng đáng làm Thày rồi! Khi đọc được những dòng xúc phạm đó trên mạng của Dan, tôi đã rất bất bình”, cô Dương bức xúc.
Một độc giả khác cho rằng, cho dù ở đất nước nào, việc xúc phạm người khác là không nên, chưa nói đến đó là một anh hùng, là Đại tướng của dân tộc.
Sau khi sự việc xảy ra, trên trang facebook cá nhân của Dan- người từng gây xôn xao khi “bóc mẽ” các trung tâm tiếng Anh nước ta dạy sai phát âm, đã có video xin lỗi.
Theo lời của Dan chia sẻ trong clip, “lúc đầu Dan không hiểu vì sao mọi người thấy câu đùa của Dan nghiêm trọng như vậy. Sau khi nói chuyện với vợ thì Dan mới hiểu. Hy vọng mọi người có thể tha lỗi cho Dan và hiểu rằng Dan thực sự không có ý xấu.
Tôi muốn giải thích, bình luận đó mang tính hài hước chứ không có ý xấu, đó không phải là một bình luận linh tinh”.
Trên trang facebook cá nhân của Dan đã có video xin lỗi. |
Dan giải thích, do anh ta thấy một thầy giáo Tây có nói, nếu thứ 7 này đội tuyển Việt Nam thắng, ông ấy sẽ xăm hình lá cờ Việt Nam vào ngực trái. “Tôi chỉ muốn chỉ trích hành động đó bởi tôi thấy việc đó là vớ vẩn, ông ta chỉ muốn gây sự chú ý.
Và tôi không nghĩ, việc dùng tên của Đại tướng lại nghiêm trọng đến thế bởi ở đất nước của tôi, nếu có đùa như thế cũng chẳng ai quan tâm. Có thể một số bạn nghiêm túc sẽ phản đối nhưng điều đó cũng được thôi. Tôi chỉ muốn khẳng định một điều, tôi không nói xấu Việt Nam, không nói xấu Đại tướng”, Dan khẳng định trong clip.
Đồng thời, nhân vật này muốn đặc biệt gửi lời xin lỗi đến gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mong mọi người tha thứ cho việc không tìm hiểu kĩ càng của mình.
Tuy nhiên, khi nghe xong lời xin lỗi, nhiều người nhận xét anh ấy chỉ đăng đàn trên facebook cá nhân để nói xin lỗi nhưng lời lẽ hoàn toàn không thành tâm và không thực lòng.
Không đủ tư cách làm “thầy”
Đó là lời khẳng định của cô Văn Thùy Dương. Cô Dương cho biết: “Sau khi đọc xong đoạn bình luận của Dan, tôi rất lo. Hiện nay nhiều phụ huynh còn mù mờ trong việc giáo dục con em. Chúng ta không thể nói việc dạy trẻ em như ăn một bát phở, nếu hôm nay ăn không ngon thì ngày mai không ăn nữa.
Chúng ta phải cân nhắc khi lựa chọn chương trình hoặc người chăm sóc con sao cho phù hợp với văn hóa và môi trường sống.Thế nhưng giáo viên này lại được sự cổ xúy của nhiều phụ huynh trên cơ sở “tự do” thì rất đáng ngại”.
Trở lại câu chuyện của Dan, nhiều người cho rằng, do văn hóa khác biệt nên có thể đó chỉ là lời bông đùa? Cô Dương khẳng định: “Người ta có thể đùa vô thưởng vô phạt khi vui vẻ với bạn bè nhưng hãy nhìn những người nước ngoài nhận xét trên mạng xã hội khi cho rằng, lời xin lỗi của Dan không hề chân thành. Như thế nghĩa là không chỉ người Việt Nam- có thể cho là không hiểu ngôn ngữ, nhưng ngay cả người nước ngoài, cùng ngôn ngữ và văn hóa với Dan cũng phản đối.
Đặc biệt, cái quan trọng với người thầy, việc xin lỗi quan trọng hơn rất nhiều, bởi đó là tấm gương cho học trò”.
Với vai trò một nhà giáo, một nhà quản lý, cô Dương cho rằng, vấn đề sâu xa ở chỗ, cô rất lo lắng nếu cứ để những thầy cô này đứng trên bục giảng, liệu họ sẽ tạo ra một thế hệ học sinh ra sao?