Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên
Quảng trường mang tên Võ Nguyên Giáp tại thành phố Thái Nguyên |
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thái Nguyên giống như quê hương thứ 2 của ông. Mảnh đất An toàn khu Định Hoá, nhiều địa danh lịch sử đã ghi dấu những ngày vị tổng tư lệnh cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng làm việc trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ. Nơi đây, nếp nhà của vị tổng chỉ huy quân đội Việt Nam từng ở cũng đơn sơ, giản dị như bao nếp nhà của người Tày, người Nùng.
Cũng tại Thái Nguyên, Đại tướng đã quyết định chọn Chùa Đán làm “đại bản doanh”, tập kết quân, dân, và làm “trụ sở” chỉ huy tiến đánh Nhật. Vào ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa quân chủ lực từ Tân Trào, Tuyên Quang sang giải phóng thị xã Thái Nguyên.
Cây đa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tại Chùa Thịnh Đán, TP Thái Nguyên |
Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ những ngày lịch sử đó, Chùa Đán giờ đây không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử và người dân thực hành tín ngưỡng, mà còn là một di sản văn hoá lịch sử của dân tộc. Đại đức Thích Đạo Quảng, Trụ trì Chùa Thịnh Đán, TP Thái Nguyên tâm sự: "tất cả nhân dân phật tử ở khắp nơi về chùa Thịnh Đán đi vào lễ phật thắp hương cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện cho mọi người đều được bình an thắp hương để tri ân tới công lao của Đại tướng".
Theo PGS. TS Hà Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Lịch Sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên: "đây là di tích lịch sử gắn với sự kiện ngày 20/8, giải phóng thị xã Thái Nguyên và thành lập chính quyền Lâm thời và gắn với vị Đại tướng mà có vai trò và vị trí rất lớn trong giải phóng thị xã, giải phóng thủ đô".
Vị tướng huyền thoại của lịch sử Việt Nam đã ra đi trong niềm tiếc thương của đồng bào cả nước, của những người đã và đang khoác trên mình bộ quân phục màu xanh hòa bình cho Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với lịch sử ra đời và quá trình tiến lên chính quy, hiện đại của Quân đội ta, của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Đảng lãnh đạo, được nhân dân tin theo. Tấm gương “Người anh cả của Quân đội” sẽ sống mãi trong các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam.
Ông Bùi Ngọc Dinh, Hội Cựu chiến binh thành phố Thái Nguyên tâm sự: "Chúng tôi rất tự hào về truyền thống của quân đội và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội đều gắn liền với hình ảnh của một vị Đại tướng.
Thể hiện lòng biết ơn, tri ân với Đại Tướng, Quảng trường mang tên Võ Nguyên Giáp đã được tỉnh xây dựng, hoàn thiện với điểm nhấn là 2 bức phù điêu 4 mặt với chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”. Đây là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cũng là niềm tự hào của người dân Thái Nguyên. Từ đó nêu cao trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo anh Chu Hồng Đông, ở Phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên: "cảm thấy rất tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, tự hào về một thành phố có một quảng trường được mang tên Đại tướng mà cả cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với đồng bào các dân tộc ở Thái Nguyên. Đối với người dân Thái Nguyên Quảng trường là một không gian sinh hoạt công cộng và là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử".
Bức phù điêu với chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” |
Cùng với truyền thống lịch sử, Thái Nguyên đã và đang phát huy những thế mạnh về vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, phát triển kinh tế xã hội, xứng tầm là đô thi trung tâm vùng Việt Bắc - đúng như mong muốn của Đại tướng đối với quê hương cách mạng. Dù Đại tướng đã đi xa, nhưng trên quê hương gió ngàn hôm nay, trong ký ức của mỗi người dân, vẫn luôn khắc sâu hình ảnh vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.