Củng cố vững chắc chất lượng giáo dục và đào tạo
Thái Nguyên đã hoàn thành xóa 33 phòng học tạm ở huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. |
Nhiều điểm trường được đầu tư xây mới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục các cấp được phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, nhận thức của người dân cho mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo được nâng cao. Giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên là tỉnh thứ 21 trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; tỉnh thứ 9 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và là một trong 16 tỉnh duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Cô giáo Dương Thị Nhạn - Hiệu trưởng trường mầm non Bảo Cường, Huyện Định Hóa vui vẻ chia sẻ về tình yêu nghề: “Các cô luôn luôn chỉ mong đến trường. Yêu nghề. Chỉ mong đến trường thôi để tổ chức các hoạt động dạy học. Phụ huynh vui và yên tâm khi trường lớp khang trang, sạch sẽ. Tỷ lệ trẻ ra lớp cao”.
Thời điểm cuối năm 2016, toàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn 33 lớp học tạm, không đảm bảo điều kiện để sử dụng. Và để khắc phục tình trạng này, tỉnh Thái Nguyên đã ưu tiên bố trí nguồn vốn trên 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình cấp bách, xóa 33 phòng học tạm ở huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Dự án này đã góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hóa phòng học các cấp đạt trên 70%, tăng 6,2% so với năm 2015. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020 trên 200 tỷ đồng đã được đầu tư cho 6/6 trường dân tộc nội trú để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho học tập và sinh hoạt của học sinh dân tộc thiểu số.
Cô giáo Ma Thùy Linh - Điểm trường Khe Cái, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai cho biết: “Những hôm mưa gió chúng tôi rất là lo lắng. Vì lớp học không chắc chắn, kiên cố. Nhưng năm nay, có lớp mới được xây rồi. Chúng tôi, cả cô và trò cảm thấy rất yên tâm”.
Từ năm 2016, Thái Nguyên liên tục đứng trong tốp các tỉnh có nhiều giải học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế. |
Cùng với đó dự án trường THPT chuyên Thái Nguyên - một trong những dự án thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên về một cơ sở giáo dục bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà và cả nước đã trở thành dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020.
Phát triển giáo dục và đào tạo với những chủ trương đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả đã tạo ra những chuyển biến rõ nét. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 576/684 trường ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia, vượt hơn 4% so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra; Gần 12 nghìn giáo viên các cấp học đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ trên 75%. Mỗi năm toàn tỉnh có trên 98% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, gần 100% học sinh tốt nghiệp THCS, 92% tốt nghiệp THPT. Từ năm 2016 đến nay, Thái Nguyên liên tục đứng trong tốp các tỉnh có nhiều giải học sinh giỏi Quốc gia và quốc tế.
PGS.TS Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết định hướng của ngành: “Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục thực chất, bền vững, tập trung hoàn thành nhiệm vụ đổi mới chương trình SGK Giáo dục phổ thông năm 2018. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục toàn quốc. Trong đó,ngành giáo dục Thái Nguyên sẽ tập trung đầu tư, thay đổi về mặt con người, chất lượng để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ này” .
Ngành giáo dục Thái Nguyên đang phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đổi mới chương trình SGK Giáo dục phổ thông năm 2018 |
Năm học 2019 - 2020, năm học cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của ngành giáo dục, mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành giáo dục nhưng với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", ngành giáo dục và đào tạo Thái Nguyên đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện thành công vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học. Có thể nói, đánh giá toàn giai đoạn, chất lượng giáo dục ở các cấp học đang có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững. Đây sẽ là động lực để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tiếp theo./.