“Cứ bao biện mà nói đang làm thì chúng tôi nghe nhiều lắm rồi“
Tại buổi kiểm tra diễn ra vào ngày 20/9, Tổ trưởng Tổ công tác – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng về một số vấn đề liên quan đến Bộ Y tế như danh mục hàng hóa chồng chéo, cùng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan, sự điều chỉnh của nhiều văn bản; Danh mục hàng hóa đã ban hành nhưng chưa có mã hồ sơ và danh mục hàng hóa chưa ban hành, cần gắn mã hồ sơ để minh bạch trong kiểm tra; Bất cập trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia; Và bất cập trong phương thức kiểm tra chuyên ngành và tổ chức kiểm tra trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, trong kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế nói riêng và các Bộ nói chung còn nhiều bất cập: kiểm tra còn chồng chéo, một mặt hàng nhưng điều chỉnh của nhiều văn bản, bị kiểm tra của nhiều bộ và của nhiều cơ quan cùng một bộ; Tỷ lệ kiểm tra lớn, hồ sơ nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện chỉ 0,06% là rất nhỏ, việc kiểm tra lại thủ công, bằng cảm quan...
Bộ Y tế là Bộ đầu tiên xung phong giảm mặt hàng, thủ tục phải kiểm tra, thay đổi phương thức kiểm tra. Tuy nhiên, Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương làm cho doanh nghiệp phải tốn 28,793 triệu ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ đồng.
Tổ trưởng Tổ công tác – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu trong buổi kiểm tra tại Bộ Y tế |
Nhấn mạnh tỷ lệ kiểm tra an toàn thực phẩm là lớn nhất, phức tạp nhất nên cần có cách làm để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Bởi, theo ông Mai Tiến Dũng, chúng ta đặt vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe nhưng thực chất nói một đằng làm một nẻo, kiểm tra không có sản phẩm, không test mẫu hàng hóa, chỉ làm hồ sơ… Do đó, không thể lý luận để bao biện cho việc này.
Trước báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Tổ trưởng Tổ Công tác Mai Tiến Dũng nói:“Nếu báo cáo như Bộ Y tế thì tất cả tốt hết rồi, không cần kiểm tra gì nữa”. Theo ông Mai Tiến Dũng, tất cả các vấn đề cần phải thẳng thắn, không nên quanh co, “còn cứ bao biện mà bảo chúng tôi đang làm thì chúng tôi nghe nhiều lắm rồi. Phải nói được những việc làm cụ thể”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nêu bất cập, Cục An toàn thực phẩm nói không cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp bởi chỉ nộp hồ sơ qua mạng, nhưng qua mạng thì mất 40-45 ngày, trong khi làm qua “dịch vụ” chỉ 5-7 ngày, nhưng mất 5-10 triệu cho mỗi bộ hồ sơ. Nếu doanh nghiệp tự làm có khi chỉ có một cái ly, vẫn của hãng đó nhưng một chi tiết nhỏ có khi lại phải chuẩn bị bộ hồ sơ riêng.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương nêu thực trạng vấn đề thủ tục còn gây nhiều bức xúc và đề nghị các quy định phải cụ thể, chặt chẽ, tránh sự tuỳ tiện. Bởi nói một thủ tục nhưng trong đó lại có rất nhiều thủ tục con, thủ tục cháu. Có khi chỉ một dấu phẩy, một chữ cái viết hoa cũng phải sửa cả bộ hồ sơ.
“Quy định cụ thể mới tạo được áp lực cho công chức, tránh sự tuỳ ý, tuỳ tiện, tránh công chức ở dưới lạm dụng, vì họ có cả nghìn cách gây khó khăn cho doanh nghiệp, và phần thắng luôn thuộc về công chức xử lý hồ sơ” - ông Nguyễn Đình Cung nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng tình với quan điểm phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vì đất nước muốn giàu có thì doanh nghiệp phải phát triển. Những thủ tục cần bỏ phải bỏ, tránh lợi ích nhóm, phiền toái cho doanh nghiệp Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp sai vẫn phải chịu trách nhiệm, vì thực tế có những doanh nghiệp làm rất kém.
Kết luận lại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực thay đổi của Bộ Y tế trong thời gian qua, tuy nhiên tới đây cần làm quyết liệt hơn nữa. Tinh thần là quản lý nhưng phải tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát triển, nguyên tắc phải minh bạch, công khai, không có lợi ích nhóm./.