Chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ
HTX chè Thủy Thuật có hơn 5 ha diện tích chè chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ

Tiếp theo hơn 5 ha diện tích chè đang được chuyển đổi, HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên đang tiếp tục chuyển đổi phần diện tích chè còn lại sang sản xuất chè hữu cơ với giống chè trung du bản địa. Mặc dù quá trình chuyển đổi sẽ mất từ 2 tới 3 năm để chính thức được chứng nhận nhưng những nhiều cơ sở sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên đã hưởng ứng tích cực với hướng sản xuất hữu cơ này.

Phân tích của các chuyên gia đã chỉ ra rằng thực tế dư địa để phát triển nông nghiệp đối với tỉnh Thái Nguyên hiện nay không còn quá lớn cho nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bề rộng, tức là tăng diện tích, sản lượng không còn phù hợp. Hiện nay, tỉnh đang hướng vào chuyển đổi dần kinh tế nông nghiệp sang chiều sâu, tức là tập trung vào chất lượng, chế biến, thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm cho sản phẩm nông nghiệp.

Chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ
Để chuyển đổi chè sang sản xuất hữu cơ đất sẽ được bón phân hữu cơ và tưới bằng nguồn nước đã qua quá trình thẩm định

Quá trình chuyển đổi chè sang sản xuất hữu cơ sẽ bắt đầu bằng việc tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm hóa học trong quá trình sản xuất… Tiếp đó đất sản xuất sẽ được bón phân hữu cơ và tưới dưỡng bằng nguồn nước đã qua quá trình xét nghiệm thẩm định, sản phẩm này được các đơn vị có chức năng giám sát chặt chẽ đến khi hàm lượng sinh hóa trên cây trồng và sản phẩm đảm bảo sẽ được cấp chứng nhận và kiểm soát định kỳ.

Anh Ngô Viết Thuật, HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Trước mắt việc chuyển đổi về hữu cơ là phân đạm và thuốc trừ cỏ tuyệt đối không được dùng. Trong nhóm HTX của chúng tôi có diện tích 7 ha, trong đó 5 ha chính thức làm hữu cơ. Việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ vì HTX nghĩ đến phát triển nông nghiệp là nền tảng của người nông dân như chúng tôi.”

Đến nay, diện tích sản xuất chè an toàn được cấp chứng nhận VietGap của toàn tỉnh Thái Nguyên đạt 592 ha, nâng tổng diện tích được chứng nhận GAP đạt gần 2.600 ha; diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ 110 ha. Diện tích sản xuất cây ăn quả an toàn được cấp chứng nhận VietGap đạt 323 ha, nâng tổng số diện tích cây ăn quả được cấp chứng nhận GAP đạt 376 ha. Ngoài việc hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi, ngành nông nghiệp Thái Nguyên cũng đang tích cực trong việc hỗ trợ quảng bá, cấp chứng nhận để sản phẩm hữu cơ của người sản xuất ra có chỗ đứng trên thị trường, đạt giá trị cao, không bị thua thiệt khi phải cạnh trạnh với các sản phẩm nông nghiệp thông thường./.