Đồng Hỷ chú trọng phát triển kinh tế Hợp tác xã
Huyện Đồng Hỷ đã thành lập được 28 hợp tác xã và trên 40 tổ hợp tác trồng, chế biến chè, 27 sản phẩm trà đã đạt OCOP |
Là địa phương có diện tích chè tương đối lớn, trong nhiều năm qua Đồng Hỷ đã trú trọng việc xây dựng các tổ hợp tác, các làng nghề, các hợp tác xã sản xuất kinh doanh và chế biến chè. Hiện nay huyện đã thành lập được 28 hợp tác xã và trên 40 tổ hợp tác trồng, chế biến chè. Với rất nhiều nỗ lực cố gắng 27 sản phẩm trà đã đạt OCOP, chiếm 75% sản phẩm đạt OCOP toàn huyện. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 18 sản phẩm đạt 3 sao.
Ông Nguyễn Xuân Khu, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè PKQ Organic, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất, quy trình sao sấy, bao bì đóng gói, tiếp cận thị trường, đảm bảo chất lượng cạnh tranh...".
Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX chè Nguyên Việt, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ: "Qua các chương trình hỗ trợ HTX chúng tôi đã cho ra nhiều sản phẩm được thị trường chấp nhận. Đó là động lực để HTX phát triển, để người dân làm tốt hơn".
Huyện Đồng Hỷ cũng khuyến khích việc phát triển các HTX chế biến nông sản theo hướng công nghệ cao. Điển hình như HTX miến Việt Cường. Với mặt hàng chủ lực là miến dong, HTX đã tập trung đầu tư vào việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm thông qua quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại. Điều này đã được chứng minh khi cả 4 sản phẩm của HTX miến Việt Cường đều vinh dự nhận chứng nhận OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX miến Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ: "Chúng tôi tiếp tục mở rộng thị trường và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để tiếp tục đưa sản phẩm rộng hơn và hướng đến xuất khẩu".
Huyện Đồng Hỷ khuyến khích phát triển các HTX chế biến nông sản theo hướng công nghệ cao. |
Đồng Hỷ cũng đã có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng. Trong đó có 8 mã vùng trồng chè, 1 vùng trồng bưởi và 1 vùng trồng măng Lục Trúc. Đến nay Đồng Hỷ đã có 36 sản phẩm OCOP.
Ông Ngô Xuân Huy, Phỏ Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: "Hàng năm chúng tôi đều xây dựng kế hoạch để thực hiện, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP và các cây trồng chủ lực của địa phương. Quá trình triển khai thực hiện chúng tôi xác định là sản phẩm OCOP sẽ nâng cao giá trị, tiềm năng, thế mạnh, gắn với việc phát triển KT-XH của nhân dân các dân tộc huyện Đồng Hỷ".
Sau 4 năm triển khai Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nông nghiệp, nông thôn Đồng Hỷ đang thay da đổi thịt từng ngày. Huyện cũng đang nỗ lực vươn lên với mục tiêu trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới./.