Chuẩn bị cơ sở vật chất trước thềm năm học mới
Nhà đa năng của Trường THPT Khánh Hòa mới được xây dựng |
Năm học 2024 - 2025 Trường THPT Khánh Hòa có 24 lớp với trên 1.000 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, một nhà đa năng với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng đã được xây dựng. Ngoài ra, các hạng mục sân và phụ trợ cũng đang tiếp tục được sửa chữa, cải tạo để đón học sinh trở lại trường trước ngày khai giảng.
Thầy giáo Trịnh Thanh Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khánh Hòa cho biết: "Đối với công trình sửa chữa lại sân trường, nhà trường cũng đang phối hợp với bên thi công để đảm bảo tiến độ trước ngày 25/8 hoàn thiện toàn bộ bề mặt của sân trường".
Năm học 2024 - 2025 toàn tỉnh Thái Nguyên có 677 trường phổ thông và mầm non công lập, ngoài công lập với gần 335 nghìn học sinh. Ngoài ra, còn khoảng 12.800 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. So với năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh tăng trên 5.200 học sinh. Trước yêu cầu cấp thiết do số lượng học sinh tăng và từng bước đáp ứng điều kiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã đầu tư gần 75 tỷ đồng để xây mới 10 công trình gồm: nhà lớp học, phòng bộ môn, nhà đa năng… cho một số trường THPT. Cùng với đó, Sở GD&ĐT cũng đã phân bổ gần 40 tỷ đồng để các trường THPT sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học trước thềm năm học mới.
Cùng với việc tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho các trường THPT, các huyện, thành phố cũng đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn, để đáp ứng yêu cầu dạy và học ở địa phương.
Từ ngày mùng 1/8 Trường Mầm non Cao Ngạn đã huy động toàn bộ cán bộ giáo viên, nhân viên Nhà trường đến tổng vệ sinh |
Cô giáo Đặng Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Ngạn, TP Thái Nguyên cho biết: "Ngay từ ngày mùng 1/8 này chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ giáo viên, nhân viên Nhà trường đến tổng vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp, sửa sang lại bồn hoa cây cảnh, khuôn viên và trang thiết bị, rửa đồ dùng, đồ chơi ở trong lớp học".
Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thông tin thêm: "Với số lượng gia tăng và yêu cầu về chất lượng trong giảng dậy, từ trang thiết bị phục vụ. Chúng tôi đã bố trí nguồn lực, thứ nhất để tiếp tục sửa chữa, thứ hai là xây mới phòng học, phòng bộ môn, phòng bán trú. Để đảm bảo an toàn cũng đã có ít nhất là ba bốn công trình nhà lớp học hai tầng với tổng số là trên 30 phòng học mới đã và đang hoàn thiện gấp rút để đưa vào năm học mới".
Với sự phối hợp, hỗ trợ của các huyện, thành phố, ngay từ cuối năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục đã tiến hành rà soát đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp. Cùng với đó, cảnh quan sư phạm, khuôn viên trường, đồ dùng trang thiết bị dạy học… cũng đã được các nhà trường cải tạo, bổ sung.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Năm học này các cấp học đều tăng về số lượng học sinh, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện phòng học cũng như là rà soát, sắp xếp lại cơ sở trường lớp cũng như là sĩ số học sinh trên lớp để đảm bảo mỗi một lớp học đó một phòng học".
Hiện nay, ngoài các công trình đã và đang được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, còn có nhiều thiết bị dạy học đang tiếp tục được cấp phát cho các trường học trên địa bàn. Với sự chủ động phối hợp của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng các địa phương, đơn vị, các trường học quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học mới đề ra./.