Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Lớp học viết báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam |
Lớp học với 42 học viên, đến từ các báo trung ương, quân đội, các ngành, đoàn thể liên khu, ngành thông tin với trình độ văn hóa không đều nhau và tuổi đời thì còn rất trẻ. Là cơ duyên, may mắn, bằng cách này hay cách khác, những học viên của lớp học, những nhà báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam đã được truyền dạy cách thức làm báo ở trong một ngôi trường thời chiến như thế.
Nhà báo Lý Thị Trung, Nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô nhớ lại: "Hồi đó học với rất nhiều thầy... lúc bây giờ chưa biết gọi là giáo sư hay là gì đâu... các thầy đến, người thì dạy về chính luận, người thì dạy về xã luận, người thì dạy về phóng sự,...".
Nhà báo Mai Cương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm: "Mới bắt đầu kháng chiến năm 1946 mà đén đầu năm 1949 Tổng bộ Việt Minh đã nghĩ ra lớp viết báo, để mà giảng dạy được một cái lớp như vậy phải nói là sáng tạo, sáng tạo lắm... Lực lượng này tỏa về các địa phương tiếp tục đi làm công việc báo chí nhưng đã được hướng dẫn có bài bản hẳn hoi".
Lớp học được sự giảng dạy của nhiều đồng chí lãnh đạo đất nước như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp..., ngoài ra còn có Trần Huy Liệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Xuân Diệu, Tố Hữu…
Dù chỉ diễn ra trong 3 tháng, song với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng mãi mãi đi vào lịch sử như một dấu ấn đậm nét về ngôi trường báo chí đầu tiên. Từ ngôi trường ấy, những tên tuổi như: đạo diễn Bành Châu, đạo diễn Trần Vũ; các nhà văn, nhà thơ: Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Hải Như; các nhà báo Thép Mới, Trần Kiên, Mai Thanh Hải, Lý Thị Trung, Mai Cương... đã trở thành những nhà báo lão làng trong nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Phan Hữu Minh, Nguyên Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Mặc dù chỉ có ba tháng nhưng với một khối lượng đồ sộ về kiến thức, có cả thực hành và lý thuyết, những người tham gia lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên đó gần như được trang bị những kiến thức hết sức cơ bản, gần như được học những giáo trình hơn tất cả những giáo trình, đặc biệt là hai lá thư của Bác Hồ dạy làm báo. Tôi cho rằng đây là những tài liệu rất quý, nó có tính chất vĩnh hằng đối với thời gan".
Lần đầu tiên, năm 2024, Giải báo chí uy tín và lớn nhất của tỉnh ra đời mang tên Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức thành công |
Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ |
Trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận địa danh Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi tổ chức Trường đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đầu năm 2024, công trình đã được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa nhằm tiếp tục tôn vinh, phát huy ý nghĩa của Di tích.
Tại tỉnh Thái Nguyên, năm 2024 cũng là lần đầu tiên, Giải báo chí uy tín và lớn nhất của tỉnh ra đời mang tên Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức thành công.
Ngày hôm nay, trên mảnh đất Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên, Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khánh thành là minh chứng cho sự ra đời của ngôi trường đào tạo báo chí đầu tiên của cách mạng Việt Nam, cũng là đánh dấu sự có mặt của điểm di tích quốc gia thứ 5 liên quan đến lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam tại mảnh đất Thái Nguyên lịch sử này.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam tâm sự: "Ở thời điểm đó một ngôi trường mọc lên tranh tre nứa lá trên một ngọn đồi thuộc xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và bây giờ mặc dù xóm Bờ Rạ không còn nữa nhưng mà bên hồ Núi Cốc đã có một công trình lịch sử soi bóng xuống mảnh đất lịch sử năm xưa, và với sự cố gắng, nỗ lực của chúng tôi, ngôi nhà sàn này sẽ trở thành một ngôi nhà để kể lại câu chuyện báo chí Chiến khu Việt Bắc"./.