Nâng cao hiệu quả dạy học ngoại ngữ ở bậc tiểu học |
Một tiết học tiếng Anh của học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Phố Cò, TP Sông Công. |
Một buổi học tiếng Anh của học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Phố Cò, TP Sông Công không chỉ học ngữ pháp, thông qua các tiết học như thế này đã giúp các học sinh được giao lưu, chia sẻ và nâng cao các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Phố Cò, TP Sông Công vui vẻ: "Ở trường con được các cô dạy dạy và giới thiệu bài mới trong sách giáo khoa, đến tiết của các thầy cô giáo nước ngoài đã củng cố các kiến thức, con cảm thấy rất hứng thú với tiết họp như vậy".
Cô giáo Đinh Thị Thảo, Trường Tiểu học Phố Cò, TP Sông Công cho biết: "Trên lớp của chúng tôi sẽ dạy ngữ pháp từ vựng và mảng kiến thức chính, còn thời gian luyện nói chúng tôi không có nhiều. Trong tuần các em có 1 tiết học tiếng anh giao tiếp với giáo viên người nước ngoài, khi đó các em có nhiều thời gian hơn để thực hành với từ vựng và ngữ pháp".
Để tăng cường thời lượng học, cũng như khuyến khích dạy học ngoại ngữ thông qua dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, Sở đã ban hành hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy và học tăng cường tiếng Anh trong các trường mầm non, tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh theo hình thức tự nguyện. Theo đó, các cơ sở giáo dục công lập được tự tổ chức hoặc phối hợp tổ chức cho học sinh học tiếng Anh theo năm học, trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh và học sinh, đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Tiết học tiếng anh của Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP Thái Nguyên. |
Cô giáo Vũ Nguyễn Phương Mai, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP Thái Nguyên cho biết: "Đối với học sinh ngoài việc được phát triển toàn diện bốn kỹ năng là nghe, nói, đọc, viết, các em còn có môi trường giao và tự tin trước đám đông và sử dụng tiếng anh một cách thành thạo".
Cô giáo Mẫn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Sông Công cho biết: "Từ năm học 2022 - 2023, chúng tôi cũng đã bắt đầu đưa tiếng anh, tăng cường dạy học tiếng anh với người nước ngoài theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Chúng tôi đã tổ chức được các chương trình ngoại khóa, các hoạt động lớn về tiếng anh với người nước ngoài trong nhà trường".
Đối với lớp 1 và lớp 2 trong năm học 2024 – 2025, căn cứ vào điều kiện của các cơ sở giáo dục, của học sinh và phụ huynh, Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ.
Cô giáo Phạm Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phố Cò, TP Sông Công thông tin: "Khi chưa có chủ trương này thì việc dạy tiếng anh trong các đơn vị gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Hiện nay Bộ Giáo dục đã có công văn hướng dẫn và cho phép các đơn vị xã hội hóa dạy tiếng anh giao tiếp, đây là chủ trương phù hợp và cần thiết đối với các trường".
Xã hội hóa trong giảng dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh sự hợp tác giữa trung tâm ngoại ngữ và hệ thống trường công lập là một trong những giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học nói chung, tiếng Anh nói riêng. Đối với tỉnh Thái Nguyên, với việc Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh quản lý được ban hành, là căn cứ quan trọng, đảm bảo sự minh bạch, nhất là về tài chính để các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa trong dạy học ngoại ngữ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT./.