Đưa Chính sách mới, nhân văn vào cuộc sống
Tại tỉnh Thái Nguyên, ngay sau khi Quyết định số 22 có hiệu lực, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện, sớm đưa chính sách vào cuộc sống.
Vợ chồng anh Đặng Văn Ngọc và chị Trần Thị Huệ, ở xóm Tiến Thành 1, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ là một trong số những khách hàng đầu tiên được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ. Với khoản tài chính tích góp được và nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ chương trình đã giúp vợ chồng anh chị có thêm nguồn lực tài chính để “khởi nghiệp” bắt đầu từ của hàng tạp hóa nhỏ này.
Cửa hàng tạp hóa của vợ chồng anh chị Đặng Văn Ngọc và chị Trần Thị Huệ |
Chị Trần Thị Huệ, xóm Tiến Thành 1, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: Cả hai vợ chồng cùng về, cuộc sống gia đình khó khăn, do không có công ăn việc làm dẫn tới không có thu nhập. Được sự giúp đỡ, vợ chồng tôi cũng vay vốn và đã mở được cửa hàng tạp hóa. Đến thời điểm hiện tại, tôi thấy cuộc sống gia đình mình đã đỡ phần nào và mình đã có công việc, có thu nhập ổn định, có thể đảm bảo cuộc sống cho vợ chồng.
Sau khi được giải ngân 100 triệu đồng từ chương trình, gia đình anh Lê Văn Thành, ở xóm Đoàn Kết, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ đã quyết tâm vực lại nghề chè truyền thống của gia đình. Anh Thành đã dành một phần vốn vay để đầu tư máy móc sao vò chè, phần còn lại để mua vật tư chăm bón.
Anh Lê Văn Thành, xóm Đoàn Kết, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ |
Anh Lê Văn Thành, xóm Đoàn Kết, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: Bản thân tôi mới về thì tiền vốn cũng không có. Tôi được vay 100 triệu tiền vốn này là rất có ý nghĩa. Để chăm sóc vườn chè, với số tiền vốn này cũng đã hỗ trợ tôi được rất nhiều, phải trả lãi với mức lãi suất bước đầu rất là thấp.
Sau gần 1 năm triển khai, đến nay Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã kịp thời giải ngân cho 215 lượt khách hàng có nhu cầu vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh, với doanh số cho vay đạt gần 20 tỷ đồng. Có thể khẳng định, nguồn vốn vay đã và đang là trợ lực quan trọng giúp họ - những người từng lầm lỡ tự tin hòa nhập cộng đồng, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ |
Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: Khi tiếp cận được nguồn vốn đã giúp họ có được ngay việc làm, từ đó họ tiếp cận, hòa đồng với cộng đồng kịp thời, nguồn vốn cho các đối tượng vay là họ sử dụng rất hiệu quả.
Để chương trình phát huy hiệu quả theo tinh thần Quyết định số 22 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, công tác phối hợp giữa ngân hàng chính sách xã hội, lực lượng công an và chính quyền địa phương tiếp tục được quan tâm chú trọng.
Ông Lê Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến |
Ông Lê Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: Trước hết là tuyên truyền và rà soát các trường hợp sau khi chấp hành án trở về địa phương. Từ nhu cầu đó, chúng tôi sẽ trực tiếp, bình xét và hoàn thiện các hồ sơ để làm sao giải ngân được kịp thời.
Bà Trần Thị Kim Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đại Từ |
Bà Trần Thị Kim Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: Trong thời gian tới để tiếp tục triển khai việc thực hiện cho vay theo Quyết định số 22 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ cho vay đối với người sau khi chấp hành án phạt tù thì Ngân hàng Chính sách sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai các chủ trương, quy định mới về các thủ tục cho vay để khi họ trở về với cuộc sống hàng ngày được tiếp cận luôn với nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn và phát triển kinh tế.
Với lãi suất bằng lãi suất tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, thời gian vay tối đa lên đến 120 tháng. Chương trình đang mang đến cơ hội và là đòn bẩy quan trọng giúp những người từng lầm lỡ có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.