e magazine
08/08/2024
[Megastory] Khơi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam

08/08/2024

Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về Bờ Rạ (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) không khi nào nhạt nhòa trong tâm tưởng của các giảng viên, học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ký ức ấy được lan tỏa và trở thành niềm tự hào mãnh của nhiều thế hệ người làm báo Việt Nam về di tích lịch sử nơi khơi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam. Sự kiện khánh thành, bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ghi thêm một dấu mốc lịch sử trên vùng đất thủ đô kháng chiến, thêm một công trình nghệ thuật, văn hóa và lịch sử, một địa chỉ đỏ của báo chí Việt Nam.
"[Megastory] Khơi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam
[Megastory] Khơi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam

Cách đây 75 năm, vào ngày 4/4/1949, giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời… Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo báo chí cách mạng duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngôi trường với 1 lớp học, có 42 học viên. Những học viên đầu tiên đó đã tỏa đi khắp các chiến trường, các nẻo đường đất nước đưa tin chiến sự, cổ vũ nhân dân đồng lòng đánh giặc, xây dựng đất nước.

Người đầu tiên trăn trở về dấu ấn lịch sử của ngôi trường đặc biệt này là nhà báo Phan Hữu Minh. Ông đã dành gần 40 năm trong quá trình công tác của mình để sống cùng ký ức Bờ Rạ và ý tưởng hình thành di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Những người làm báo Đài PTTH Thái Nguyên cũng đã đồng hành với nhà báo Phan Hữu Minh trên con đường tìm về Bờ Rạ, mà phần lớn diện tích địa điểm này đã chìm sâu dưới lòng hồ Núi Cốc, để có được một kỳ quan nhân tạo đẹp, mang lại nhiều lợi ích cho người dân Thái Nguyên như hôm nay. Những thước phim tìm về lịch sử của lớp lọc làm báo nơi Bờ Rạ từ nhiều năm trước đã góp phần khơi dậy tình cảm và niềm tự hào về những dấu ấn lịch sử của những thế hệ người làm báo, của chính quyền và nhân dân Thái Nguyên.

“Lịch sử cho thấy, Thái Nguyên là mảnh đất sinh thành báo chí. Các cơ quan báo chí đã hình thành trên mảnh đất này có: Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà in Báo Nhân dân; Báo Quân đội nhân dân... ở Định Hoá. Tại Đại Từ có Hội Văn nghệ cứu quốc và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Bản thân tôi gắn bó gần 50 năm với nghề báo. Cá nhân tôi cũng như người dân Thái Nguyên rất tự hào về điều này. Trước đây, các di tích liên quan đến báo chí, phát thanh, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh… ở An toàn khu (ATK) Thái Nguyên đều đã được xây dựng. Giờ đây, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được khánh thành và bàn giao cho địa phương là niềm vui không thể diễn tả bằng lời với cá nhân tôi và những người tâm huyết với nghề báo, với lịch sử đầy kiêu hãnh, tự hào của của lịch sử báo chí Việt Nam”.

Nhà báo Phan Hữu Minh
Nguyên Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam
Nguyên Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên

[Megastory] Khơi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam
Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ghi thêm một "địa chỉ đỏ" của báo chí cách mạng Việt Nam tại Thái Nguyên

Ý tưởng thành lập Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng để tri ân lịch sử và các bậc tiền bối đã được lan tỏa và trở thành quyết tâm của Trung ương hội Nhà Báo Việt Nam. Bảo tàng Báo chí Việt Nam được giao nhiệm vụ trực tiếp tiếp cận nhân chứng và lập hồ sơ di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Khu vực Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng xưa, nay phần lớn nằm dưới lòng hồ Núi Cốc, một phần còn lại nằm trên địa phận của xã Tân Thái. Từ khi lập hồ sơ khoanh vùng di tích đến khi khánh thành bia di tích vào 4/4/2019 là cả một hành trình, với nhiều nỗ lực và tâm huyết của những người thực hiện. Địa điểm di tích “Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia ngày 28/3/2019.

Năm 2024, thiết thực chào mừng 75 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, với mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của Di tích, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai công trình Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

“Được giao là chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình có ý nghĩa quan trọng này là vinh dự, cũng là trách nhiệm rất lớn, cũng rất nặng nề với tập thể Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Vì đơn vị chưa hề có kinh nghiệm lập đề án quy hoạch, thiết kế và xây dựng, nhưng thay vào đó, đội ngũ có tinh thần trách nhiệm, tình cảm và quyết tâm rất lớn triển khai và hoàn thành trọng trách được giao. Công trình do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và cộng sự thiết kế đã được hoàn thành là công trình nghệ thuật, văn hóa và lịch sử. Rồi nơi này sẽ lưu giữ và giới thiệu những kỷ vật giá trị của báo chí cách mạng và kháng chiến tại Việt Bắc. Những bằng chứng sinh động của di tích lịch sử quốc gia này là tài liệu giáo dục truyền thống vô giá về lòng yêu nước, về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam”.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa
Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Với sự phối hợp rất tích cực của lãnh đạo và các ban ngành tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ, xã Tân Thái và sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), công trình Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính. Công trình không chỉ tái hiện lịch sử mà còn đảm bảo tính mỹ thuật cao.

Di tích sau khi tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí; đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương… Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khi đi vào hoạt động, các trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và Báo chí chiến khu Việt Bắc tại đây không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946-1954 mà còn khẳng định được những thành quả to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh và trong hành trình kiến thiết đất nước.

"Chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào danh mục các điểm tham quan “Thủ đô kháng chiến”. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến với các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội và chi hội nhà báo trong toàn quốc với mong muốn tất cả giới báo chí thấy rõ tầm quan trọng của di tích này, từ đó coi đây là một địa chỉ đỏ để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà”.

Nhà báo Lê Quốc Minh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Tổng biên tập Báo Nhân dân
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

[Megastory] Khơi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam
[Megastory] Khơi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam