Chủ động tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu địa phương
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đến nay kim ngạch xuất khẩu chè của tỉnh Thái Nguyên mới đạt 1 triệu đô la Mỹ |
Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn của cả nước với gần 23.000ha. Hiện nay sản phẩm chè của tỉnh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng chủ yếu chỉ là nguyên liệu thô với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá trên thị trường thế giới. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tính từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu chè mới chỉ đạt 1 triệu đô la Mỹ, giảm khoảng 47% so với cùng kỳ và bằng 45% kế hoạch năm.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Hà Thái cho biết: “Mặc dù diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị kế hoạch, chiến lược để cho ra đời những sản phẩm tiêu biểu, sạch để xuất khẩu vào những thị trường khó tính”.
Với thế mạnh về giao thông, vị trí địa lý và nguồn lao động dồi dào, Thái Nguyên là điểm đến và đầu tư của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này mới chỉ đạt trên trên 219 triệu đô la Mỹ, giảm 25% so với cùng kỳ.
Khi đại dịch chuyển sang giai đoạn mới, các doanh nghiệp may mặc lại không thể xuất khẩu. |
Năm 2020 chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu địa phương của Thái Nguyên là đạt 800 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong những tháng đầu, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, các doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên phụ liệu sản xuất thì những tháng gần đây - khi đại dịch chuyển sang giai đoạn mới, các doanh nghiệp lại không thể xuất khẩu.
Đặc biệt là đối với các ngành hàng sản xuất chủ lực của tỉnh như may mặc, sắt thép, kim loại màu và tinh quặng kim loại màu. Tính đến nay, xuất khẩu địa phương của tỉnh mới chỉ đạt trên 304 triệu đô la Mỹ, giảm gần 24% so với cùng kỳ, bằng 44,8% kế hoạch.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác kim loại màu và tinh quặng kim loại màu cũng gặp khó khăn vì không thể xuất khẩu |
Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Công ty CP Masan High - Tech Materials đề nghị:“Dịch Covid-19 đã khiến sản phẩm của chúng tôi không thể xuất khẩu, doanh thu theo đó cũng giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để chúng tôi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”.
Ông Vũ Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND Thành phố Sông Công cho biết về kế hoạch của địa phương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu: “Thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hỗ trợ công tác này đối với các dự án đã ký kết; Tăng cường công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp sông Công 1, sông Công 2 và các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố”.
Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên thì khẳng định, thời gian tới: “Tỉnh tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp thông thoáng các thủ tục hành chính, kiểm soát dịch bệnh nhưng vẫn phải đẩy mạnh để tăng trưởng kinh tế. Đối với các doanh nghiệp cụ thể, thì phải xem họ đang khó khăn gì để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ”.
Xuất khẩu địa phương có vai trò quan trọng góp phần phát huy hết tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương, vừa tạo việc làm ổn định cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng, do vậy bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh để khắc phục khó khăn do đại dịch, các doanh nghiệp cần có sự đột phá về giá trị sản lượng ngành hàng, đa dạng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực, thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa, từ đó sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu địa phương của tỉnh trong thời gian tới./.