Chính thức đệ trình UNESCO công nhận hát Then là di sản thế giới
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đệ trình UNESCO. (Ảnh minh họa: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN) |
Thông tin trên được nêu rõ tại văn bản số 406/TTg-KGVX (về việc gửi Hồ sơ quốc gia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” trình UNESCO).
Văn bản cũng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tiến hành các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3.
Đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, Then vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian vừa một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại.
Trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái cổ, hát Then xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn… Người hát Then trong những dịp lễ, Tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn Tính.
Then vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian vừa một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN) |
Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương... người Tày, Nùng, Thái giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, hát Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật như văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trình diễn…./.