Chắp cánh cho nông sản
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, các hoạt động xúc tiến thương mại đang được tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện. |
Nếu như trước đây trên diện tích đất chỉ để trồng sắn và ngô, thì nay đã được phủ kín bằng những cây dược liệu có giá trị. Với nguồn nông sản đa dạng, việc liên kết sản xuất chặt chẽ đã tạo ra những sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao, có giá trị lớn.
Ông Dương Văn Huy, xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên |
Ông Dương Văn Huy, xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: Hợp tác xã bao tiêu ra củ là 80 nghìn đồng/kg, với hoa là 30 nghìn đồng/kg hoa tươi. Tôi thì cũng không phải lo đầu ra sản phẩm.
Giá trị của những sản phẩm này đã được nâng lên rất nhiều, từ việc hoàn thiện quy trình sản xuất, tạo ra mẫu mã đẹp, cũng như là quảng bá thương hiệu, tuy nhiên, bản thân người nông dân cũng không tự mình làm được điều này mà cần sự chung tay của các cơ quan chuyên môn cũng như những người làm thương mại.
Cùng với sản xuất, quá trình tiêu thụ sản phẩm cũng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều so với trước kia bởi sự đồng hành của bà con nông dân, hợp tác xã và cả những Livestreamer bán hàng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của nhiều ngành chức năng đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của mỗi địa phương. Ở HTX Phú Lộc, dù mới triển khai thực hiện dự án và cho ra sản phẩm nhưng ngay từ những vụ thu hoạch đầu tiên nông sản của HTX luôn trong tình trạng cháy hàng….
Chị Lê Quỳnh Trang, Giám đốc HTX Phú Lộc, TP Thái Nguyên |
Chị Lê Quỳnh Trang, Giám đốc HTX Phú Lộc, TP Thái Nguyên cho biết: Đấy là những sản phẩm có tính riêng biệt, và là đặc sản, đặc trưng của vùng miền. Trước tiên là mình trải nghiệm sản phẩm và gửi sản phẩm dùng thử tới một số khách hàng quen thuộc và lâu dài của HTX, của đơn vị mình.
Anh Nguyễn Quốc Hoàng, HTX nông nghiệp Tiên Phong, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương |
Anh Nguyễn Quốc Hoàng, HTX nông nghiệp Tiên Phong, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương cho biết: Hợp tác xã được hỗ trợ của UBND huyện Phú Lương về phân bón, hỗ trợ trồng cây mướp đắng rừng, ngoài ra còn được hỗ trợ một số cây dược liệu khác như cây: Ba kích, Khô Nhung, hỗ trợ sản xuất như là máy sấy, bao bì.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, thì có đến 30% sản phẩm là từ vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa. Điều đó chứng tỏ tiềm năng, lợi thế là luôn có để bà con dân tộc thiểu số mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế để đa dạng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất.
Bà Vũ Thu Hương, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên |
Bà Vũ Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tổ chức các phiên kết nối online, và tổ chức các nhóm TEAM nông sản, các tiktoker, LiveStreamer để giúp cho các HTX quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực. Tại tỉnh Thái Nguyên thì chúng tôi tổ chức các ngày hội kết nối, tiêu thụ nông sản, hội chợ mini.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên |
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi sẽ tập trung, triển khai Chương trình Festival Nông sản OCOP làng nghề gắn kết du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Những chương trình này, nhiều năm qua đã tạo được các thương hiệu và góp phần rất tốt trong việc hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên.
Trên thực tế, trình độ, khả năng tiếp cận môi trường số của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Chính vì vậy, thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại chính là quá trình minh bạch quy trình sản xuất để góp phần tiếp tục khơi thông "dòng chảy", “chắp cánh” tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng đồng bào dân tộc và phát triển nông thôn.