Chăn nuôi lợn an toàn sinh học: Yếu tố cần để cạnh tranh sản phẩm
Điều bất ngờ đầu tiên khi đến trang trại nhà bà Trần Thị Thu Hương tại xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, đó là sự nghiêm ngặt trong đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Không mùi hôi thối của phân lợn, hệ thống dàn phun sương sát khuẩn được trang bị từ cửa ra vào đến cửa trang trại đã tạo nên một quy trình chăn nuôi chuyên nghiệp của trang trại này. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, bà Hương cầm trên tay cuốn sổ ghi chép nhật ký hàng ngày về tình trạng cụ thể của từng con lợn…
Hệ thống máy móc dùng để chế biến Cám trộn được gia đình bà Hương đầu tư khá hiện đại |
Bước vào nghề chăn nuôi từ cuối những năm 2000 với vài 3 con lợn lái, chuồng trại thô sơ, đến nay, quy mô trang trại của gia đình bà Hương đã có gần 1.000 con lợn thịt và 2.000 con lợn lái. Với quy mô như thế này, điều khiến và Hương luôn trăn trở là làm thế nào để chăn nuôi có hiệu quả và đem lại sản phẩm an toàn nhất đến với người tiêu dùng. Theo đó, từ việc sử dụng sản phẩm cám công nghiệp, vừa không đạt hiệu quả về kinh tế, vừa không kiểm soát được chất lượng sản phẩm cám trước sức nóng của việc sử dụng chất cấm Sabutamol trong chăn nuôi, bà Hương đã quyết định sử dụng cám trộn thay vì sử dụng 100% cám công nghiệp như trước đây.
Bà Hương cho biết “Sản phẩm cám trộn được gia đình sử dụng bao gồm cám ngô, cám gạo, cám mạch, đậu tương, dầu ăn, chế phẩm premix có tác dụng rất lớn đối với đàn vật nuôi. Cám sẽ được đưa vào tối thiểu 2 tháng trước khi lợn được xuất chuồng. Dây chuyền tự sản xuất cám trộn được đầu tư hết sức công phu, do đó, chất lượng đàn lợn của gia đình được nâng lên đáng kể, mô hình này đã được gia đình áp dụng gần 3 năm nay”.
Kể từ khi sử dụng sản phẩm thức ăn tự chế, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đã khiến gia đình bà Hương tiết kiệm được chi phí sản xuất và cho ra thị trường thịt lợn an toàn có sức cạnh tranh rất lớn. Bà Hương nói “Thức ăn tự chế biến này, giá thành chỉ bằng ½ loại thức ăn công nghiêp, mà vẫn đảm bảo các chất cần có trong đàn lợn”.
Tận dụng nguồn nguyên liệu Lá chè xanh có sẵn để dùng đun làm nước uống cho đàn lợn |
Thực tế cho thấy, hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thức ăn tinh hỗn hợp cho gia súc, gia cầm do nhiều hãng sản xuất. Tuy vậy, các loại thức ăn thường có giá thành cao. Vì vậy, từ hiệu quả mang lại sau khi sử dụng sản phẩm cám tự chế của gia đình bà Hương, nhiều gia đình trên địa bàn xã Phúc Thuận cũng đã áp dụng vào chăn nuôi và cho hiệu quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh hiệu quả ban đầu đã được kiểm chứng từ gia đình và các hộ chăn nuôi lân cận, bà Hương cũng đã tự nghiên cứu, mày mò phương thức chăn lợn bằng lá chè xanh. Đây là phương pháp của trung tâm sản xuất trà xanh chất lượng cao của Nhật Bản. Và theo đánh giá, thịt lợn nuôi bằng nước trà xanh ngọt và mềm hơn các loại thịt lợn khác. “Tôi có tìm hiểu và được biết, các trang trại chăn nuôi lợn tại Shizouka – Nhật Bản cho lợn uống trà xanh mỗi sáng theo công thức 1 kg lá pha trong bể chứa nước 1 tấn, diện tích mỗi trại 50 m2/50 con lợn. Theo đó, lợn lớn nhanh, không gặp rủi ro về dịch bệnh cũng như có giấc ngủ sâu. Đặc biệt, thịt lợn rất hồng, săn chắc và thơm vị" - Bà Hương chia sẻ.
Đánh giá về chất lượng cũng như hiệu quả từ việc áp dụng mô hình chăn nuôi lợn bằng phương pháp an toàn của gia đình và Hương, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thị xã Phổ Yên cho biết, họ đánh giá rất cao sáng kiến từ mô hình này. Thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức các cuộc tiếp xúc với người chăn nuôi cùng các đơn vị kinh doanh nông sản an toàn trong và ngoài Thị xã để tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là việc cung ứng vào chuỗi tổ hợp Samsung Thái Nguyên, đơn vị cũng sẽ có trách nhiệm tìm nguồn hỗ trợ, mở rộng mô hình này đến nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm uy tín, chất lượng.
Do sự đầu tư về dây chuyền sản xuất, chăn nuôi cũng như những phương pháp trong chế biến thức ăn đặc biệt nên hiện nay, bên cạnh thị trường ngoại tỉnh, trang trại của gia đình và Hương đang thực hiện cung ứng sản phẩm cho Công ty cổ phần chế biến nông sản Thái Nguyên cùng nhiều bếp ăn tập thể khác trên địa bàn với sản phẩm thịt lợn an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cũng đã được chính người tiêu dùng kiểm chứng qua quá trình sử dụng sản phẩm.
Sử dụng cám trộn và nước trà xanh trong chăn nuôi đã tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm của gia đình bà Hương cũng như các hộ chăn nuôi trong vùng |
Có thể thấy, chưa khi nào cụm từ "an toàn vệ sinh thực phẩm" lại được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm Sabutamol trong chăn nuôi. Và tại tỉnh Thái Nguyên, nhiều vụ việc đưa chất cấm Salbutamol với tỷ lệ vượt hàng trăm lần so với mức cho phép đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ chăn nuôi vì lợi nhuận mà bất chấp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng thì những hộ chăn nuôi như gia đình bà Hương đã và đang nỗ lực để đưa sản xuất sạch vào chăn nuôi gia súc, gia cầm với nhiều phương pháp hiệu quả.
Và cũng theo tâm tư của bà Hương, thời gian tới, bà sẽ tiếp tục tư vấn, động viên các chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn mạnh dạn áp dụng phương thức chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học để tạo ra nguồn thịt lợn an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường; và xa hơn nữa, Bà sẽ đứng lên vận động xây dựng 01 Chi hội chăn nuôi lợn (dự kiến có khoảng 15 hội viên với xấp xỉ 2.500 - 3.000 con lợn thịt/lứa) tại địa bàn, đồng thời phối hợp với Trạm chăn nuôi thú y của địa phương và các đơn vị liên quan để chắp nối các doanh nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm với chi hội để từ đó giúp hình thành 01 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, tạo sự bền vững trong chăn nuôi lợn.
Hy vọng, với ý tưởng của bà Hương sẽ trở thành một hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững cần được nhân rộng trong chăn nuôi lợn những năm tới đây./.