Các mục tiêu Mỹ có thể tấn công ở Syria và phương án phản đòn của Nga
Năm 2017, sau cáo buộc về tấn công hóa học ở Syria, Mỹ đã mở một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ quân sự của Syria. Tuy nhiên, cuộc tấn công năm ngoái mang nặng tính biểu tượng. Lần này, nếu Mỹ lại tấn công Syria tiếp với cái cớ tương tự (cáo buộc về chính phủ Syria tấn công hóa học ở Đông Ghouta vào ngày 7/4), nhiều khả năng cuộc tấn công mới sẽ toàn diện hơn và dữ dội hơn.
Hình ảnh do Mỹ cung cấp cho thấy các hư hại mà cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ gây ra cho sân bay quân sự Shayrat ở Syria vào năm 2017. |
Mục tiêu tiềm tàng
Sau vụ tấn công hóa học năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích một sân bay quân sự của Syria, nơi các phi cơ của Syria xuất kích. Khi đó 59 quả tên lửa hành trình phóng từ chiến hạm Mỹ ở Địa Trung Hải đã làm hư hại đường băng và nhà chứa máy bay nhưng các hư hại này nhanh chóng được Syria khắc phục.
Lần này nếu ra lệnh tấn công tiếp, Tổng thống Trump có thể sẽ nỗ lực khẳng định mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, khác biệt với vị tổng thống tiền nhiệm Obama. Trong khi đó, Pháp cho biết họ sẵn sàng tham gia hành động nếu người ta chứng minh được vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Đông Ghouta vào đầu tháng 4 này.
Tấn công lần 2 (nếu xảy ra), các mục tiêu quân đội Mỹ có thể nhắm tới sẽ là các căn cứ không quân khác của Syria và có thể cả bộ phận còn lại của bản thân lực lượng không quân Syria.
Năng lực của phương Tây và Mỹ
Mỹ duy trì một nhóm tác chiến hải quân ở Đông Địa Trung Hải. Lực lượng này được trang bị đầy đủ các tên lửa có khả năng phóng xa quá đường chân trời. Mỹ cũng bố trí một lượng lớn máy bay tiêm kích ở Qatar và trên các tàu sân bay ở vùng Vịnh, vốn được huy động để ném bom phiến quân Hồi giáo IS.
Việc điều phi cơ bay qua không phận của Iraq và Saudi Arabia để ném bom Syria có thể khó khăn vì yếu tố chính trị nhạy cảm, nên việc phóng tên lửa sẽ khả dĩ hơn. Thêm vào đó, tên lửa khó bị bắn hạ và nếu có bị bắn rơi thì cũng bớt phiền phức và nguy hiểm so với trường hợp dùng máy bay.
Nhìn tổng thể, tấn công từ phía tây sẽ đặt ra ít khó khăn hơn. Trong khi đó, máy bay phản lực của Pháp có thể tấn công các mục tiêu Syria sau khi cất cánh từ sân bay của họ. Nếu Anh tham chiến, họ có sử dụng một căn cứ gần Síp - căn cứ này cách Syria không xa.
Các căn cứ không quân Syria này có thể trở thành mục tiêu để Mỹ tấn công trong thời gian sắp tới. (Đồ họa của Guardian, hôm 2/4) |
Đóng góp của quân đội Anh cho đồng minh Mỹ
Không quân Hoàng gia Anh có một bộ phận lớn ở Trung Đông hiện đang tác chiến chống tàn quân IS. Họ có thể dễ dàng điều máy bay và thiết bị bay không người lái sang tấn công các mục tiêu Syria nếu cần thiết.
Máy bay chiến đấu đa nhiệm Tornado đã hiện diện trong vùng. Máy bay có ưu điểm nổi bật là bay thấp và ném bom chính xác. Máy bay Typhoon của không quân Anh được vũ trang bằng các loại bom dẫn đường Paveway lV.
Ngoài ra không quân Anh còn có các phi cơ không người lái Reaper được trang bị tên lửa Hellfire.
Tất cả số vũ khí này đã tham gia tác chiến trong vài tuần qua trong các chiến dịch chống IS cả ở Đông Syria và Iraq.
Nếu quân đội Anh nhảy vào cuộc, hành động của họ còn có thêm ý nghĩa là khẳng định Mỹ không hành động đơn độc.
Nga và Syria sẽ đối phó ra sao?
Hệ thống phòng không Syria đã bị tổn thất nặng sau các đợt tấn công của Israel vào tháng 3. Mặc dù vậy, lực lượng này vẫn đáng gờm. Các tên lửa phòng không của Syria có thể bay nhanh hơn các máy bay phản lực hiện đại. Một tên lửa SA-5 có tuổi đời 45 năm vẫn có thể hạ được một phi cơ F-16 của Israel. Tuy nhiên, các tên lửa này ít có khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình bám sát mặt đất.
Một câu hỏi lớn mà Mỹ và đồng minh lo ngại là liệu Nga có kích hoạt hệ thống phòng không S-400 đáng sợ của họ hay không. Vũ khí này đã được triển khai ở Syria trong hơn một năm qua và tạo ra mối đe dọa chết người đối với các máy bay phản lực hiện đại.
Trước đây, Nga thi thoảng bật hệ thống này lên nhưng vẫn chưa thực sự sử dụng đến nó. Lời cảnh báo vừa rồi của Ngoại trưởng Nga Lavrov yêu cầu Tổng thống Trump không tấn công Syria có thể là dấu hiệu cho thấy lần này, Mỹ và phương Tây có thể phải lựa chọn phương cách tấn công khác.
Phe đối lập Syria
Phe đối lập Syria không có năng lực phòng không đáng kể trước không quân Syria. Họ cũng đã mất nhiều lãnh thổ. Chỉ còn Deraa ở miền nam Syria và Idlib ở miền bắc Syria là vẫn dưới sự kiểm soát của phiến quân Syria.
Trong 6 năm qua, các thủ lĩnh đối lập Syria đã liên tục kêu gọi phương Tây thiết lập vùng cấm bay để làm suy yếu chế độ Syria. Nhưng khả năng thiết lập vùng cấm bay là không hiện thực trong bối cảnh máy bay quân sự chiếm ưu thế ở ít nhất 2/3 không phận Syria. Máy bay chiến đấu của cả Nga và Syria đã đẩy lực lượng chống Tổng thống Assad vào thế bí ở nhiều mặt trận, tiêu biểu như ở Đông Ghouta vừa qua./.