Mỹ tấn công Syria: Một cuộc không kích, hai thông điệp
Một ngày sau khi Mỹ và đồng minh phát động cuộc tấn công tên lửa chống lại Chính phủ Syria, có rất ít thay đổi với hầu hết người dân Syria – những người đã phải trải qua hơn 7 năm sống trong nỗi đau tột cùng của nội chiến.
Một trung tâm nghiên cứu gần Damascus bị phá hủy sau cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh. Ảnh: EPA. |
Tại Damascus, hàng trăm người xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad – người tiếp tục khẳng định sẽ không từ nhiệm bất chấp sức ép từ phương Tây. Trong khi đó, ở những khu vực xung đột, súng vẫn nổ, bom vẫn rơi như những gì đã và đang xảy ra trong nhiều năm qua.
Giờ đây, sức nóng của cuộc chiến có vẻ cũng đã hạ nhiệt với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “sứ mệnh đã hoàn thành”. Tuy vậy, nhìn về tương lai gần, gần như sẽ không có bất kỳ thay đổi nào ở quốc gia Trung Đông này và hòa bình vẫn là một giấc mơ xa vời.
Liên Hợp Quốc với vai trò của mình sẽ tiếp tục đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán nhưng tất cả rồi sẽ đi đến đâu? Hội đồng Bảo an sẽ làm được gì để ngăn tình trạng đổ máu ở Syria khi vẫn còn chia rẽ sâu sắc?
7 năm sau khi cuộc chiến nổ ra, một số người cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh, đưa đất nước Syria tiến lên là thừa nhận vị trí hiện tại của Tổng thống Assad và để nhà lãnh đạo này giành chiến thắng.
Một khi các bên hạ vũ khí, các vấn đề khác của Syria có thể sẽ được giải quyết. Trong đó bao gồm cả cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở phía Bắc, cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Syria của Israel và Iran hay như vấn đề tái thiết các cộng đồng dân cư, đưa những người tị nạn Syria trở về nhà.
Mỹ và phương Tây luôn khẳng định Tổng thống Assad phải bị trừng phạt vì những gì ông này gây ra trong cuộc chiến, cương quyết không để ông Assad đóng bất kỳ một vai trò nào trong tương lai của đất nước Syria.
Điều này gây ra nhiều nghi ngại, một số ý kiến cho rằng nếu phương Tây từ chối đầu tư các nguồn lực cần thiết để tái thiết của Syria, những nỗ lực của họ để trừng phạt ông Assad sẽ chỉ làm cho cuộc sống của người dân Syria thêm tồi tệ.
Nguồn video: Reuters.
Ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, nói: "Các vị không phải trừng phạt ông Assad mà đang trừng phạt những người Syria nghèo khổ. Nếu như các mục tiêu của Mỹ là chống lại chủ nghĩa khủng bố, ổn định tình hình và đưa những người tị nạn trở về thì tất cả sẽ thất bại”.
Tổng thống Trump đã quyết định cùng với đồng minh Anh, Pháp tiến hành không kích Syria hôm 14/4 để trả đũa vụ tấn công bị cho là có sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, Đông Ghouta, Syria trước đó một tuần.
Giới quan sát cho rằng, mục đích của cuộc tấn công không phải nhằm lật đổ ông Assad, càng không phải để gây thiệt hại cho lực lượng Nga, Iran có mặt ở Syria và cũng chẳng phải để bảo vệ dân thường khỏi tình trạng bạo lực. Trên thực tế, cuộc không kích được lên kế hoạch và thực hiện thận trọng để tránh không làm thay đổi bản chất và tổng thể của cuộc xung đột.
Một cuộc không kích, hai thông điệp
Nếu thông điệp chính của cuộc không kích là không để Tổng thống Assad được phép sử dụng vũ khí hóa học thì trên thực tế, cuộc không kích này lại truyền đi một thông điệp khác mà Mỹ và đồng minh không mong muốn là phương Tây sẽ chấp nhận vị trí hiện tại của ông Assad dù ông ấy có làm gì đi chăng nữa.
7 năm xung đột ở Syria, đất nước này đã bị chia năm xẻ bảy với Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các thị trấn ở phía Bắc, Mỹ phối hợp làm việc với các lực lượng dân quân người Kurd ở phía Đông, còn Nga và Iran giúp lực lượng của Tổng thống Assad đánh bại phe nổi dậy ở những phần còn lại của Syria.
Ở thời điểm hiện tại, dường như không bên nào có một kế hoạch thực tế để kiến tạo hòa bình lâu dài ở Syria và trong bối cảnh như vậy, có ý kiến cho rằng ông Assad có thể chính là nhân vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó.
Bà Maha Yahya, Giám đốc Trung tâm Carnegie Middle East ở Beirut không đồng tình với quan điểm này: “Điều đó là rất mơ hồ và sai lầm. Tạo điều kiện thuận lợi cho ông Assad sẽ khiến Syria tiếp tục là tâm điểm bất ổn trong khu vực”.
Theo bà Yahya, giải pháp duy nhất là đạt được một thỏa thuận giữa Nga và Mỹ cùng các bên liên quan khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Tuy nhiên, để có được một thỏa thuận như vậy sẽ cần đến những nỗ lực ngoại giao mà ông Trump dường như không mấy quan tâm.
Trên thực tế, sau khi tuyên bố không kích Syria hôm 14/4, ông Trump đã đưa ra quan điểm khá bi quan về khả năng Mỹ có thể tác động, thay đổi tình hình ở Trung Đông.
“Máu và tiền của người Mỹ không thể tạo ra hòa bình và an ninh lâu dài ở Trung Đông. Đó là một nơi rắc rối. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho Trung Đông tốt đẹp hơn nhưng đó đúng là một khu vực phức tạp”, Tổng thống Mỹ Trump nói.
Ông Trump cũng đề nghị các đồng minh Arab có thể đóng góp vai trò lớn hơn ở Trung Đông, nhắc đến Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Qatar. Tuy nhiên, bản thân Saudi Arabia và UAE cũng đang sa lầy trong cuộc chiến tại Yemen. Thứ nữa, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập không “cùng hội cùng thuyền” với Qatar, vậy thì những nước này phải làm thế nào để cùng nhau giúp đỡ giải quyết vấn đề Syria?./.