Bóng đá Việt Nam trở lại với câu chuyện V-League và thượng tầng VFF
Ngay trong mùa World Cup 2018, người ta được chứng kiến một V-League chơi “thăng hoa” với số bàn thắng cao kỷ lục, và cùng với đó là số khán giả tới sân thấp nhất từ đầu giải.
Toàn bộ 6 vòng đấu từ lượt về V-League (bắt đầu từ vòng 14) đều trùng với thời gian diễn ra World Cup. Chính vì trùng với World Cup nên lượng khán giả tới sân xem các trận đấu V-League giảm xuống thấp kỷ lục. Theo thống kê của BTC, trước khi World Cup khởi tranh, V-League thu hút trung bình khoảng 55.000 khán giả đến sân theo dõi (khoảng 7.900 khán giả/trận).
Tuy nhiên, kể từ vòng 14, số khán giả tới sân giảm xuống lần lượt là 32.000 khán giả/vòng đấu và 4.500 khán giả/trận, thấp nhất kể từ đầu giải.
V-League liệu có hấp dẫn trở lại sau mùa World Cup - Ảnh: Gia Hưng |
Ít khán giả tới sân, nhưng không phải vì thế mà các cầu thủ thi đấu kém nhiệt, không khao khát ghi bàn thắng. Thực tế thì từ vòng 14-18, các đội bóng đã ghi số bàn thắng cao kỷ lục. Cả lượt đi, Nuti Cafe V-League 2018 ghi nhận trung bình 17,7 bàn/vòng đấu. Tuy nhiên 5 vòng đầu tiên ở lượt về, con số ấy là 27,2 bàn/trận.
Từ vòng 16, số bàn thắng bắt đầu cao một cách khó tin. Tổng số 28 bàn thắng là nhiều nhất tại V-League 2018 được ghi nhận tại vòng 16. Tuy nhiên, đến vòng 18, số bàn thắng còn “khủng” hơn: 38 bàn thắng, tính trung bình hơn 5 bàn/trận.
Đáng chú ý, trận TP HCM thua Hà Nội trên sân Hàng Đẫy với tỷ số 3-6 là trận có nhiều bàn thắng nhất: 9 bàn. Tiếp đến là trận hoà 4-4 giữa Quảng Nam và Bình Dương. Trận đấu trên sân Pleiku giữa HA Gia Lai và Khánh Hoà cũng có tới 6 bàn thắng, đây cũng là số bàn thắng được ghi trên sân Cẩm Phả trong trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Cần Thơ (5-1).
Việc V-League “bùng nổ” bàn thắng cho thấy rõ sự bất thường, khiến chính người trong cuộc cũng bất ngờ. HLV Miura của TP HCM chia sẻ: “Tôi cũng cảm thấy bất thường, các vòng đấu trước chỉ loanh quanh 18 đến 21 bàn nhưng lần này tăng đột biến. Tôi cũng không biết lý do tại sao?”.
V-League có nhiều bàn thắng trong những dịp như World Cup, Euro không có gì lạ. Từ rất nhiều năm trước, các trận đấu vẫn diễn ra với những nghi ngờ về chuyện tiêu cực, mà dân bóng đá vẫn hay gọi là “nổ tài”.
Trở lại với V-League, bóng đá Việt Nam cũng vẫn là câu chuyện của đại hội VFF. Kế hoạch tổ chức đại hội 8 ban đầu dự kiến diễn ra trong tháng 3/2018 đã bị hoãn lại nhiều lần, cũng do cơ cấu nhân sự chủ chốt chưa xong xuôi. Ngoài Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn được nhiều tín nhiệm nhất, số phiếu tiến cử các ứng viên còn lại đều khá thấp. Dù có đông người tranh cử, nhưng theo đánh giá, “chất lượng” ứng viên đại hội 8 là chưa đạt yêu cầu.
Đến hôm qua, ứng cử viên nặng ký Trần Quốc Tuấn cũng bất ngờ rút lui khiến cuộc đua tới ghế Chủ tịch VFF chỉ còn 2 người. Được biết, Bộ VH, TT&DL muốn cuộc đua này phải “đông vui” hơn, hấp dẫn hơn nhằm quy tụ nhiều nhân tài.
Một quan chức VFF cho biết, đại hội buộc phải tổ chức càng sớm càng tốt, bởi tháng 8 tới Asiad sẽ diễn ra, rồi tiếp đến sẽ là AFF Cup và vòng chung kết Asian Cup. Hơn nữa, VFF cũng cần chuẩn bị cho mùa giải 2019 nên rất cần bộ máy mới đứng ra điều hành.
Nhiều công việc lớn cần phải giải quyết, nhưng trước mắt VFF sẽ vẫn phải hoạt động dựa trên bộ máy cũ, mà ai cũng thấy những nhân sự chủ chốt của VFF bộ máy này người thì lo chạy ghế, người không còn sức khỏe để đảm đương công việc.
Sau World Cup với những trận đấu thăng hoa, giàu cảm xúc, người hâm mộ Việt Nam trở lại với rất nhiều nỗi lo của bóng đá nước nhà.