Bóng đá Việt Nam thay đổi vị thế so với Thái Lan: Sự biến chuyển của cả quá trình
Rồi khi nói về sự thay đổi vị thế giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan mà chúng ta được thấy bây giờ, một lần nữa phải nhắc lại công sức của một số ông bầu đi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo cầu thủ.
Bắt đầu bằng cái ngông của bầu Đức khi cho ra đời học viện bóng đá trẻ HA Gia Lai JMG hồi năm 2007, với ý tưởng liên kết với thương hiệu nổi tiếng quốc tế mà ít người dám thực hiện hồi đó.
Lứa đầu của học viện bóng đá HA Gia Lai JMG của những Công Phượng, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Toàn… cũng là lứa đóng vai chính trong hàng loạt kỳ tích của bóng đá Việt Nam từ đầu năm 2018 đến giờ.
Cầu thủ Thái Lan hiện tại thật sự ngán Quang Hải và các đồng đội (ảnh: Huyền Trang) |
Đấy là quá trình ròng rã cả chục năm từ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, tích luỹ kinh nghiệm cho các cầu thủ trẻ, mà đầu năm 2018 chúng ta được thấy bước tiến lớn của các đội tuyển. Bước tiến đấy giúp bóng đá Việt Nam từ hơn 1 năm qua vượt mặt Thái Lan về mặt thành tích, khiến người láng giềng vốn là ông vua của bóng đá Đông Nam Á giật mình.
Và thật ra thì Thái Lan đã có lời cảnh báo từ sự vươn lên của bóng đá trẻ Việt Nam từ cuối năm 2016, với thành tích vào đến bán kết giải U19 châu Á của đội tuyển U19 Việt Nam, đồng nghĩa với tấm vé dự VCK World Cup U20 giữa năm 2017.
Dù vậy, phút sẩy chân của đội U22 Việt Nam tại SEA Games cuối năm 2017 khiến Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung chưa chú ý lắm đến tốc độ vươn lên của thế hệ cầu thủ mới ở Việt Nam.
Cựu HLV Đoàn Minh Xương mổ xẻ: “Lứa cầu thủ dự VCK World Cup U20 năm 2017 chính là lứa vừa đánh bại Thái Lan tại vòng loại U23 châu Á. Chẳng qua là sau VCK World Cup năm đó, họ chưa được đầu tư nhiều, chưa được thi đấu quốc tế, nên kém về mặt kinh nghiệm, chứ về tiềm năng, về tố chất, thấy rõ là lứa này không kém”.
Cũng nhân nói về lứa cầu thủ dự VCK World Cup U20 năm 2017, bóng đá Đông Nam Á nói chung và Thái Lan nói riêng, nếu biết về họ, có lẽ chỉ biết về Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, những người quá hay cùng các đội tuyển Việt Nam thành công liên miên từ đầu năm 2018 đến giờ. Chứ không hề biết về Huỳnh Tấn Sinh, Triệu Việt Hưng, Hồ Tấn Tài, Hoàng Đức… cho đến khi bị chính các cầu thủ này hạ gục vào tối 26/3.
Thế hệ cầu thủ hiện tại của bóng đá Việt Nam ngày càng được đào tạo theo phong cách hiện đại (ảnh: Huyền Trang) |
Tức là các tài năng của bóng đá Việt Nam đang có tính kế thừa, ngay sau lứa Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Phan Văn Đức, Đức Huy… là lứa Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu (đừng quên Quang Hải hay Đình Trọng vẫn là những cầu thủ kém tuổi so với Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh), Tấn Sinh, Hoàng Đức, Thành Chung.
Và công lớn vẫn thuộc về các lò đào tạo, khi liên tục đầu tư và liên tục cho ra lò các tài năng triển vọng, theo hướng mỗi lúc một phù hợp hơn với bóng đá hiện đại.
Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh phân tích kỹ về điều này: “Ngoài chuyện đồng đều về mặt kỹ năng, về kỹ thuật, thế hệ cầu thủ vừa đá vòng loại giải U23 châu Á còn đồng đều về mặt thể hình. Chiều cao trung bình 1m76 đối với một đội bóng Đông Nam Á không phải là không đáng nói đâu”.
“Thể hình tốt là yếu tố rất quan trọng trong bóng đá hiện đại. Rồi ngoài thể hình, kỹ thuật, kỹ năng, cầu thủ hiện nay còn có được tư duy chơi bóng hiện đại. Giờ khi đối đầu với các đại diện của bóng đá Thái Lan, họ biết áp sát và vây ráp đối thủ khiến Thái Lan không đá được, chứng tỏ các cháu đã thay đổi nhiều lắm, tiến bộ nhiều lắm!” – ông Vinh nói thêm.
Nếu chỉ là một – hai thành tích, thì còn có thể bảo rằng các cầu thủ gặp may. Đằng này chúng ta cứ liên tiếp gặt hái thành tích từ suốt năm 2018 vắt qua đầu năm 2019, có thế hệ này nối tiếp thế hệ kia thi đấu tốt, thì làng cầu Đông Nam Á nói chung, bóng đá Thái Lan nói riêng nhìn các đội tuyển Việt Nam bằng cặp khác cũng là lẽ đương nhiên! Giờ, họ ngại chúng ta hơn là chúng ta ngại họ!