Bệnh lười học Nghị quyết - học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay
Lười học tập lý luận chính trị, học Nghị quyết của Đảng là một trong những biểu hiện có thể nhận thấy ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay…

Lười học tập lý luận chính trị, học Nghị quyết của Đảng là một trong những biểu hiện có thể nhận thấy ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay… Trong các buổi quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đảng, không khó để bắt gặp hình ảnh cán bộ, đảng viên được cơ quan, đơn vị chọn cử đi học nhưng lại mang tư tưởng học đối phó, “có mặt” để điểm danh, ngồi nghe truyền đạt Nghị quyết nhưng mặc nhiên sử dụng điện thoại, trao đổi, nói chuyện riêng, tranh thủ giải quyết công việc cá nhân. Thậm chí có những người chỉ đầu giờ đến điểm danh sau đó tìm lý do bỏ ra về. Những biểu hiện của sự thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong học tập Nghị quyết đang diễn ra ở nhiều nơi.

Đồng chí Trần Văn Cường, Cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Qua học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng, tôi thấy rằng còn một bộ phận cán bộ, đảng viên khi đi học tập, nghiên cứu nghị quyết còn tranh thủ làm việc riêng hoặc đầu giờ có mặt nhưng cuối giờ thì không có mặt, phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai nghị quyết tại cơ quan, đơn vị sau này".

Bệnh lười học Nghị quyết - học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay
Sau mỗi buổi học tập Nghị quyết, có những cán bộ, đảng viên không nắm được nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết, thậm chí đến mức không nhớ nổi tên chuyên đề mình được học tập.

Điều đó dẫn đến một thực trạng là sau mỗi buổi học tập Nghị quyết, có những cán bộ đảng viên không nắm được nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết, thậm chí đến mức không nhớ nổi tên chuyên đề mình được học tập.

Đồng chí Hoàng Anh Trung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng ta nói đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá, thì có lẽ việc lười học tập lý luận là biểu hiện đầu tiên của tự diễn biến, tự chuyển hoá. Bởi vì, mỗi lý luận soi rọi cho thực tiễn trong công việc của cán bộ, đảng viên, của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương. Bác Hồ đã nói nếu chỉ có thực tiễn mà không có lý luận thì giống như một mắt sáng, một mắt mờ. Thực tế hiện nay rất nhiều nơi việc học tập lý luận bị xem nhẹ, đặc biệt là từ khi bùng nổ mạng xã hội".

Đồng chí Hà Thị Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lương thông tin: "Đối với những đồng chí tham gia học tập nghị quyết còn chưa tập trung, chưa trách nhiệm, học hình thức; đi học nhưng không nắm được tinh thần của nghị quyết. Với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của những người đứng đầu, những người lãnh đạo đã không nắm được sâu, nội dung cốt lõi của nghị quyết, thì triển khai ở đơn vị, địa phương còn những hạn chế".

Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung, Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rất rõ do kém về lý luận hoặc khinh lý luận, lý luận suông, cho nên một bộ phận cán bộ, đảng viên của chúng ta mắc bệnh chủ quan. Trong quá trình làm việc không xem xét kỹ dẫn đến những quyết định không đúng, không phù hợp; đặc biệt là không nhìn thấy những kết quả, đánh giá một cách công bằng, khách quan, ý mình như nào mình làm như vậy và Bác Hồ nói rằng kết quả như vậy thường là thất bại".

Trong thực tế hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện coi thường học tập lý luận chính trị, học nghị quyết của Đảng, họ cho rằng chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ, chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, học tập, nắm vững đường lối, nghị quyết của Đảng để vận dụng vào giải quyết công việc ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách, từ đó dẫn đến tình trạng lý luận xa rời thực tiễn, lý luận không áp dụng vào thực tiễn. Nguy cơ lớn hơn là chủ quan, áp đặt, duy ý chí dẫn đến những sai phạm trong nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước./.