Bầu cử Tổng thống Pháp: Chặng đua nước rút vòng một
Cuộc đua vào điện Élysée ngày càng khó đoán định với khoảng cách thu hẹp giữa 4 ứng cử viên dẫn đầu.
Áp phích vận động bầu cử của các ứng viên Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters. |
Thế tương quan mong manh
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy khoảng cách giữa bốn ứng cử viên dẫn đầu là: Emmanuel Macron, Marie Le Pen, François Fillon và Jean-Luc Mélenchon, đang thu hẹp đáng kể. Cả bốn đều có cơ hội lọt vào vòng hai.
Theo cuộc thăm dò của viện BVA-Salesforce, ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron được 23% ý định bầu, hơn ứng viên cực hữu Marine Le Pen đứng thứ hai chỉ 1%.
Trong khi đó, hai ứng viên François Fillon, cánh hữu và Jean-Luc Mélenchon, cực tả, đồng hạng ba với 20%. Khoảng cách giữa người đứng đầu với người đứng cuối trong số các ứng viên có triển vọng vào được vòng hai như vậy chỉ là 3%, nằm trong phạm vi sai số của cuộc thăm dò là từ 1,4 - 3,1 điểm, có nghĩa là ai cũng có thể chiếm thứ hạng đầu, cho thấy kết quả rất khó đoán.
Một cuộc thăm dò khác của viện Ipsos-Sopra Sterna cho thấy khoảng cách thu hẹp tương tự, với ứng cử viên Macron và Le Pen cùng dẫn đầu với 22% ý định bầu, theo sau là Mélenchon (20%) và Fillon (19%). Khoảng cách 3% giữa bốn người dẫn đầu cũng nằm trong phạm vi sai số của cuộc thăm dò.
Những điểm mạnh yếu
Emmanuel Macron: Vươn lên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây nhất, thủ lĩnh của phong trào "Tiến bước" hội tụ nhiều ưu thế: trẻ trung (mới 39 tuổi), đầy năng lực (nguyên Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ F. Holland), trung dung (không tả cũng không hữu) để có thể tranh thủ nhiều lực lượng, hứa hẹn có những đổi mới trong cách thức điều hành, mang lại một "làn gió mới" mà nhiều người Pháp mong đợi.
Những thế mạnh ấy khiến ông Macron tập hợp được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt của những nhân vật quan trọng trong cánh tả đang gặp khủng hoảng. Sau khi nhận được sự liên minh của Chủ tịch Phong trào Dân chủ (MoDem), François Bayrou, ông tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, rồi Nanuel Valls.
Mặc dù vậy, do còn quá trẻ và không thuộc cánh truyền thống nào ở Pháp, ông Macron thiếu một nền tảng chính trị vững chắc và một lượng cử tri ủng hộ ổn định và tình thế sẽ dễ dàng đảo ngược nếu đại diện các cánh truyền thống thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Marine Le Pen: nữ thủ lĩnh của đảng cực hữu FN từng duy trì được thế dẫn đầu một thời gian khá dài trong các cuộc thăm dò dư luận với tỷ lệ ủng hộ dao động từ 26 - 28%, và chỉ chịu tụt xuống sau Emmanuel Macron một chút (1%) những ngày gần đây. Đặc biệt, bà luôn đạt trên 40% số phiếu ủng hộ của tầng lớp công nhân.
Với khẩu hiệu "nước Pháp trước tiên", nữ thủ lĩnh của đảng cực hữu FN đã đi vào những vấn đề lớn của xã hội Pháp, tác động đến tâm lý bộ phận không nhỏ dân chúng đang bức xúc trước cuộc khủng hoảng nhập cư, các cuộc khủng bố Hồi giáo cực đoan, tình hình kinh tế khó khăn và nạn thất nghiệp, truyền thống và bản sắc dân tộc bị đe dọa trước sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai...
Điều này cũng phản ánh tâm trạng chung của người dân châu Âu và đà phát triển của các đảng cánh hữu và trào lưu dân túy ở châu Âu dưới sự tác động của sự kiện Anh tách khỏi EU (Brexit) và việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Với tỷ lệ ủng hộ ấy, khả năng Marine Le Pen bước vào vòng hai là rất lớn. Mặc dù vậy, bà cũng gặp những trở ngại không nhỏ. Hiện bà cũng vướng vào một sự cố gần giống với vụ "Penelopgate" khi bà bị cáo buộc chi sai 300.000 euro trong việc sử dụng trợ lý, không phải vì công việc của Nghị viện châu Âu mà phục vụ cho đảng FN của bà.
Trong trường hợp vượt qua vòng một, bà Marine Le Pen cũng sẽ khó khăn khi phải vượt qua ranh giới bấy lâu nay để giành chiến thắng chung cuộc. Ranh giới ấy là ấn tượng xấu của dân chúng Pháp với chính sách bảo thủ cực đoan và phân biệt chủng tộc, tôn giáo của FN, cho dù điều đó đã được xoa dịu gần đây. Tiếp đó, nước Pháp dường như chưa dễ chấp nhận một phụ nữ lên làm Tổng thống.
Francois Fillon: Sau khi phương án B thất bại, đảng Những người Cộng hòa (LR) buộc phải tiếp tục ủng hộ ứng cử viên Francois Fillon làm đại diện của mình tiếp tục cuộc tranh cử Tổng thống.
Vụ "Penelopgate" đã đưa ông Francois Fillon từ ứng cử viên có triển vọng nhất giành ghế Tổng thống xuống vị trí thứ ba và tiếp tục đeo bám, gây khó khăn cho ông cho tới cuối chặng đua.
Mặc dù gặp khó khăn, ông Francois Fillon vẫn đang giữ một số ưu thế: Ông có lượng cử tri ủng hộ ổn định khi chính thức được gần 4 triệu cử tri cánh hữu và trung dung lựa chọn thông qua cuộc bầu cử sơ bộ. Ông là người đầu tiên trong số các ứng cử viên giành đủ 500 phiếu bảo trợ theo luật định để tranh cử Tổng thống.
Ông được sự ủng hộ của các chính trị gia gạo cội của cánh hữu, cả những người ở cuộc bầu sơ bộ còn là đối thủ của ông như Alai Juppé và Nicolas Sarkozy. Tiềm năng của cánh hữu (1 trong 2 cánh chủ chốt ở Pháp) luôn rất lớn, đặc biệt khi đối trọng của nó là cánh tả đang khủng hoảng. Dự án ông đưa ra trong cuộc tranh cử vẫn được đánh giá là đầy đủ nhất.
Jean-Luc Mélenchon: Dẫn đầu với 25% về tính thuyết phục trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp đầu tiên giữa toàn bộ 11 ứng cử viên đêm 04/04 đại diện của phong trào "Nước Pháp Bất Khuất" cực tả đang tạo nên một cuộc bứt phá ngoạn mục, vượt lên trên ứng cử viện của đảng Xã hội, đứng ở hàng thứ tư và đang cạnh tranh vị trí của Francois Fillon.
Ưu thế nổi trội của Jean-Luc Mélenchon là tài ăn nói, khả năng hùng biện. Ông là người duy nhất có tỷ lệ ủng hộ tăng cao gần đây, gắn liền với các cuộc mít-tinh diễn thuyết trực tiếp ở nhiều nơi.
Benoît Hamon: Đánh bại cựu thủ tướng Manuel Valls trong cuộc lựa chọn ứng cử viên của đảng Xã hội, cựu bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, được coi là một trong những "bất ngờ" trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này.
Tuy nhiên, theo các thăm dò dư luận, Benoît Hamon luôn ở hạng yếu, đứng sau Marine Le Pen (FN), François Fillon (LR), Emmanuel Macron (Tiến bước), chỉ ngang hàng và gần đây thậm chí bị đẩy xuống dưới Jean-Luc Melanchon (cánh tả cấp tiến).
Ông là đại diện mờ nhạt cho đảng Xã hội đang chia rẽ, nơi mà bản thân nhiều thành viên của nó lại đang lựa chọn ủng hộ Emmanuel Macron chứ không phải ông như lẽ thường. Nhiều khả năng ông sẽ bị loại ngay từ vòng một cuộc bầu cử Tổng thống.
Những nỗ lực bứt phá cuối cùng
Ở thế "kẻ tám lạng, người nửa cân" ấy, các ứng viên tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động cho mình trong những nỗ lực bứt phá cuối cùng.
Chiều ngày 17/04, hai ứng cử viên đang dẫn đầu, Marine Le Pen và Emmanuel Macron cùng tổ chức mít-tinh tại Paris. Đại diện của phong trào "Tiến bước" Emmanuel Macron phát biểu trước 20.000 người ủng hộ tại khu Bercy. Thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen diễn thuyết trước 6.000 người tại rạp hát Zénith.
Trong khi đó, François Fillon, đại diện đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu, tới vận động tại Nice, miền nam nước Pháp và tiếp đó tại Lille, miền tây bắc nước Pháp.
Còn Jean-Luc Mélenchon, thủ lĩnh phong trào "Nước Pháp Bất khuất", tới diễn thuyết trước 70.000 người tại Toulouse. Tiếp đó, ứng cử viên cực tả này sẽ sử dụng kỹ thuật hình nổi ba chiều hologramme để hiện diện và nói chuyện với cử tri cùng một lúc tại 8 thành phố khác nhau trên toàn quốc.
Đang tụt hậu trong các cuộc thăm dò, ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon chuẩn bị gửi thư vận động đến 9 triệu gia đình, trình bày về kế hoạch cho tương lai nước Pháp. Ông Hamon cũng kêu gọi người dân tập hợp đông đảo ở quảng trường République ngày 19/4 để phô trương lực lượng của cử tri cánh tả./.