Điểm sự kiện từ ngày 21/10 đến ngày 27/10/2024
* Tin tức, sự kiện thế giới tuần qua diễn ra một loạt vấn đề nóng như: Israel tấn công các mục tiêu quân sự trên khắp Iran; Hội nghị BRICS đánh dấu một trật tự thế giới phi phương Tây mới nổi; Ngoại trưởng Mỹ kết thúc tuần ngoại giao đầy tham vọng ở Trung Đông và IMF dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn trong năm tới.
- Rạng sáng 26/10, quân đội Israel đã tiến hành oanh kích các mục tiêu quân sự ở Iran, viện dẫn việc đáp trả các cuộc tấn công của Tehran nhằm vào Israel hồi đầu tháng này. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột leo thang giữa hai nước đối thủ tại Trung Đông.
Quang cảnh thủ đô Tehran, Iran rạng sáng 26/10/2024 sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: THX/TTXVN |
Cuộc tập kích đáp trả của Israel diễn ra sau hơn 3 tuần Iran phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel. Đó là cuộc tấn công trực diện thứ hai của Iran vào Israel, sau khi Tehran tiến hành cuộc tập kích với 300 thiết bị bay không người lái và tên lửa hồi tháng 4.
Theo thông tin từ truyền thông Israel, chiến dịch không kích của quân đội nước này (IDF) đã kết thúc sau ba đợt tấn công. Những đợt không kích này chủ yếu tập trung vào các căn cứ tên lửa, thiết bị bay không người lái và các cơ sở sản xuất quân sự của Iran.
Trong khi đó, tại Tehran, người dân đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn, và truyền thông nhà nước Iran cho biết hệ thống phòng không của họ đã hoạt động để ngăn chặn các cuộc tấn công. Mặc dù phía Iran cho biết có một số thiệt hại hạn chế, nhưng chưa có báo cáo chính thức nào về thương vong hay thiệt hại đáng kể từ các cuộc không kích này.
Quân đội Israel cho biết các máy bay chiến đầu tham gia cuộc oanh kích đã trở về căn cứ an toàn. Báo Jerusalem Post của Israel cho biết cuộc tập kích nhằm vào Iran sử dụng hơn 100 chiến đấu cơ, trong đó có cả tiêm kích tàng hình F-35. "Các máy bay Israel đã hoàn tất hành trình có chiều dài khoảng 2.000 km trong chiến dịch".
Không quân Israel đã tấn công "các cơ sở sản xuất tên lửa" mà họ cho biết đã được sử dụng để sản xuất tên lửa mà Iran bắn vào Israel trong năm qua. Quân đội Israel thông báo cũng đã tấn công vào các khẩu đội tên lửa đất đối không và các hệ thống phòng không bổ sung của Iran. Phía Israel cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Iran nếu nước này tung đòn trả đũa Israel.
Về phía Iran, hãng thông tấn bán chính thức Tasnim dẫn các nguồn tin cho biết Tehran sẵn sàng đáp trả bất kỳ "hành động gây hấn" nào của Israel. Trước khi Israel tiến hành các cuộc không kích hôm 26/10, Iran đã nhiều lần cảnh báo rằng không có "lằn ranh đỏ" nào trong nỗ lực tự vệ.
Các nhà lãnh đạo thế giới và khu vực đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình. Saudi Arabia đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa và hối thúc cộng đồng quốc tế hành động hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng và chấm dứt xung đột trong khu vực. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia của ông đã làm việc với Israel trong những tuần gần đây để yêu cầu Tel Aviv thực hiện cuộc tấn công giảm thiểu thiệt hại tới thường dân.
- Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 vừa diễn ra tại thành phố Kazan của Nga từ ngày 22-24/10 đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của một trật tự thế giới mới, không do phương Tây dẫn dắt, theo nhận định từ tờ Jerusalem Post của Israel.
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao BRICS mở rộng ở Kazan, Nga ngày 24/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN |
Sự kiện này có quy mô lớn chưa từng có với sự tham gia của khoảng 20.000 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, đây là hội nghị đầu tiên của BRICS theo mô hình mở rộng với 9 thành viên chính thức, sau khi Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gia nhập vào đầu năm 2024.
Với chủ đề "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, vì sự phát triển công bằng toàn cầu và an ninh", hội nghị đã thông qua nhiều quyết định quan trọng. Nổi bật là việc phê duyệt danh mục 13 quốc gia đối tác mới, trong đó có Belarus. Điều này cho thấy sức hút ngày càng tăng của BRICS với nhiều nước trên thế giới.
Một trong những nội dung được quan tâm nhất tại hội nghị là đề xuất "Cầu nối BRICS" của Nga. Sáng kiến này nhằm xây dựng hệ thống thanh toán riêng dựa trên công nghệ blockchain, giúp các nước thành viên giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong giao dịch quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng làn sóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp theo đang hình thành tại các nước đang phát triển. Ông kêu gọi xây dựng các cơ chế tài chính đa phương thay thế, đáng tin cậy và không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực nào.
BRICS hiện đại diện cho gần một nửa GDP toàn cầu. Việc nhiều quốc gia, trong đó có cả những nước truyền thống thân phương Tây như UAE và Ai Cập, muốn gia nhập nhóm cho thấy xu hướng chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu. Họ đang tìm kiếm một trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn.
Tổng thể, hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan đã mở ra một chương mới cho khối này trong việc định hình lại trật tự thế giới. Sự tham gia của nhiều quốc gia không thuộc phương Tây vào BRICS cho thấy rằng nhiều nước đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề toàn cầu. Việc này có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong cách thức mà các quốc gia tương tác với nhau trong tương lai.
* Sự kiện trong nước tuần qua từ 21-27/10, trong nước diễn ra các sự kiện nổi bật như: Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Đồng chí Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng; Tập trung ứng phó bão Trà Mi vào biển Đông; Việt Nam đang đối mặt với mô hình bệnh tật kép.
- Trong tuần, ngày 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 29,5 ngày, đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11, đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 30/11, tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN |
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến 13 dự án Luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
- Chiều 21/10, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Lương Cường làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường phát biểu nhậm chức. Ảnh: TTXVN |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, căn cứ Hiến pháp, các quy định của pháp luật, biên bản kiểm phiếu, Quốc hội quyết nghị: Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả biểu quyết đã có 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,67% tổng số đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Lương Cường. Sau khi được bầu, tân Chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.
Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Sau Lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Lương Cường có bài phát biểu trước Quốc hội.
- Từ ngày 23 - 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị BRICS, cũng là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới tới Liên bang Nga. Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị BRICS mở rộng và các Phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị BRICS mở rộng; tiếp xúc song phương với lãnh đạo nước chủ nhà Nga và Lãnh đạo cấp cao các nước/tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị; gặp gỡ đại diện Cộng đồng người Việt Nam tại Nga; tiếp một số doanh nghiệp Nga nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga tiếp tục phát triển tốt đẹp. Năm nay, hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản về quan hệ hữu nghị; sang năm 2025 hai nước kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng truyền tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, hợp tác, phát triển, năng động, đổi mới; thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhằm góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trên trường quốc tế; đồng thời tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên bang Nga và các nước.
- Ngày 24/10, bão Trà Mi đi vào Biển Đông cường độ cấp 9, giật 11, dự kiến đạt cường độ cấp 12, giật 15 khi ở phía đông đảo Hoàng Sa ngày 26/10. Dự báo, khi đến vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, bão tương tác với không khí lạnh, di chuyển chậm lại, có khả năng giảm cấp và đổi hướng.
Đến ngày 27/10, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 km/giờ trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Hoàng Sa, cường độ bão mạnh cấp 11, giật cấp 13, khu vực chịu ảnh hưởng là khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực đảo Hoàng Sa).
Tàu thuyền tỉnh Quảng Bình neo đậu an toàn tại bến. Ảnh: TTXVN |
Để ứng phó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị, các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện ứng trực tại trọng điểm về thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân trên hết; bám sát nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo và phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 của UBND thành phố, chủ động triển khai ứng phó bão số 6; giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp các đơn vị triển khai phương tiện, lực lượng ứng trực tại điểm có nguy cơ bị ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét... Công an thành phố tập trung công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư và Âu thuyền Thọ Quang. Các địa phương, đơn vị thông tin số điện thoại cố định và di động để nhân dân liên lạc, đề nghị được hỗ trợ trong thiên tai…
Còn theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa phương đã vận động gần 2.000 tàu cá của địa phương vào bờ trú ẩn an toàn ứng phó bão số 6. Trước diễn biến và hướng di chuyển của bão số 6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa đã rà soát kịch bản, phương án ứng phó thiên tai, phương án di dời người dân tại nơi nguy hiểm; đảm bảo lương thực, bố trí lực lượng, phương tiện cứu nạn khi có yêu cầu.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 78, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Thái Nguyên quyết tâm xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trước 31/3/2025; Đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với đại biểu dự đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV; Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ 4 năm 2024 thành công tốt đẹp;…
- Ngày 25/10, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 78, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 để nghe báo cáo, cho ý kiến vào các nội dung về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 78, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Các đại biểu đã nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến vào: Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; dự thảo Công văn về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự thảo Công văn về tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản; nội dung, chương trình và công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ hai mươi hai (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026; Dự thảo Kế hoạch thực hiện Kết luận số 82 ngày 17/6/2024 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại Công an nhân dân đến năm 2030 và những năm tiếp theo/ Thảo luận, cho ý kiến về một số chủ trương đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
- “Chỉ có giáo dục mới sớm đưa cuộc sống của các bản làng cũng như từng gia đình đi đến âm no và hạnh phúc”- khẳng định của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2024.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân và trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” tại đại hội |
Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đã đánh giá toàn diện các kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019-2024, đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giai đoạn 2024-2029 như: phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 60% bình quân chung của cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 8% theo tiêu chí mới.
- Trước đó, ngày 23/10, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với đại biểu dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV, năm 2024.
Hội nghị đã nhận được 19 câu hỏi thuộc các lĩnh vực Y tế, giáo dục, nông nghiệp, đất đai... Các câu hỏi xoay quanh chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Với tinh thần thẳng thắn và dân chủ, buổi đối thoại đã làm rõ được nhiều vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Đây đều là những ý kiến đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh được gửi gắm đến các cấp chính quyền./.