Áp lực trong xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Phú Bình - đã ps HTTH 28.11
Một số tuyến đường, khu vực gần khu dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình, rác thải chất thành đống, tràn ra lòng đường.

Trên một số tuyến đường, một số khu vực gần khu dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình từ 2 năm trở lại đây, rác thải chất thành đống tràn ra lòng đường khiến cho việc đi lại của người dân và phương tiện gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, mùi hôi thối từ những đống rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở khu vực xung quanh.

Bà Dương Thị Dung, xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình chia sẻ: "Cuộc họp nào chúng tôi cũng đề nghị lên Trưởng xóm, Bí thư đề đạt lên trên để chuyển khu rác đi, đỡ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân".

Tình trạng phát sinh các điểm xả rác thải sinh hoạt tự phát không chỉ diễn ra trên địa bàn xã Điểm Thụy mà ở hầu hết các địa phương khác trong huyện Phú Bình. Đặc biệt là ở các địa bàn nông thôn và một số đơn vị có các cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung. Nguyên nhân được xác định là do việc nhiều địa phương chưa thành lập được các đội tự quản, đội thu gom rác. Ngoài ra, các xã cũng chưa xác định được nguồn kinh phí để hợp đồng với các cơ quan chức năng trong việc xử lý kịp thời nguồn rác sinh hoạt phát sinh.

Áp lực trong xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Phú Bình - đã ps HTTH 28.11
Huyện Phú Bình hiện có 2 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt là lò đốt rác xã Tân Khánh và bãi chôn lấp rác do Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng quản lý.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình có 2 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt là lò đốt rác xã Tân Khánh và bãi chôn lấp rác do Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng quản lý. Với công suất cả 2 cơ sở này chỉ có thể xử lý được khoảng 11 tấn/ngày, nên lượng rác thải còn tồn đọng và thải ra môi trường khoảng 4 tấn/ngày. Bên cạnh đó, một vấn đề khác đang gây áp lực lớn là khả năng tiếp nhận rác của bãi chôn lấp rác do Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng quản lý đã hết.

Ông Nguyễn Văn Diệp, Trưởng phòng Kinh doanh và Môi trường, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng cho hay: "Hiện tại, 1 ngày lượng rác sinh hoạt trung bình khoảng 15m³, bãi rác của công ty đã quá tải, không thể tiếp nhận được nữa. Công ty đã gửi công văn xin tháo gỡ khó khăn trong tiếp nhận rác thải sinh hoạt của huyện Phú Bình".

Vấn đề khó khăn trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt cũng đã được các cấp, các ngành huyện Phú Bình nắm bắt và tìm hướng khắc phục. Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, đây là việc làm cấp bách đang được huyện ưu tiên tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: "Yêu cầu về xử lý rác thải ngày càng cao, đặc biệt là rác thải sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 Nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng bằng công nghệ chôn lấp cũ; hiện nay, đã quá tải, không còn khả năng tiếp nhận xử lý rác. UBND huyện Phú Bình đã giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với các cơ quan bổ sung mở rộng quy hoạch Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hương Sơn đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trước mắt. Bên cạnh đó, đang rà soát, bổ sung quy hoạch và trình cấp thẩm quyền đưa vào quy hoạch phân kỳ rác thải trên địa bàn tỉnh khoảng 45ha. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các ngành vào cuộc cùng với các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để người dân chú trọng hơn việc xử lý rác thải tại nguồn để hạn chế đưa rác ra môi trường".

Ông Nguyễn Văn Diệp, Trưởng phòng Kinh doanh và Môi trường, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng cho hay: "Sau khi được tháo gỡ, có chủ trương mở rộng đầu tư khoảng 15ha nếu được chấp thuận, công ty sẽ tiến hành xây dựng luôn, để kịp tháo gỡ khó khăn trong việc ùn tắc rác thải sinh hoạt".

Bên cạnh việc huyện cần sớm quy hoạch các điểm tập kết rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn và đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải sinh hoạt của huyện, một vấn đề nữa địa phương này cũng cần quan tâm đẩy mạnh đó là: tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy mạnh việc phân loại, xử lý rác ngay từ gia đình và không xả rác bừa bãi./.