An sinh xã hội - tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững
Hơn 95% hộ nghèo và hộ cận nghèo được ưu đãi vay vốn để phát triển sản xuất

Những năm gần đây, công tác giảm nghèo ở tỉnh Thái Nguyên đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 13,4% thì dự kiến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,37%, vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả này có được là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho rằng: “Triển khai đồng bộ, kịp thời các dự án giảm nghèo, tạo điều kiện hỗ trợ để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, việc làm, tiêu thụ sản phẩm”.

Bà Vũ Thị Thảo, Phó phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Đồng Hỷ cho biết: “Tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, gắn mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội”.

Cùng với công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh Thái Nguyên còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn được ưu đãi vay vốn để phát triển sản xuất đạt 95,08%.

Gia đình anh Nông Văn Đại và chị Trần Thị Kẻm là hộ nghèo lâu năm của xóm Cầu Mai, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn vay 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách huyện Đồng Hỷ, gia đình anh Đại đã mở rộng diện tích chè lai, trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Đại thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đầu năm 2020, gia đình anh Đại đã thoát nghèo một cách bền vững. Ngôi nhà vách đất dột nát đã được thay thế bằng ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi với kinh phí gần 500 triệu đồng.

Anh Nông Văn Đại, xóm Cầu Mai, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ chia sẻ suy nghĩ: “Để giảm nghèo bền vững thì mình phải chăm chỉ vươn lên, không thể dựa vào nhà nước được mãi”.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên càng được thể hiện rõ hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Cùng với việc nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ trên 11.600 người dân Thái Nguyên sinh sống tại các tỉnh, thành phố phía Nam gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng số tiền hỗ trợ trên 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức hỗ trợ hộ nghèo hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

An sinh xã hội - tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững
Từ nay đến năm 2025, Thái Nguyên tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Tính năm này đã 86 tuổi, ở cái tuổi “Xưa nay hiếm” như vậy nhưng hằng ngày ông vẫn phải tự túc chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho mình và người vợ bị tâm thần mấy chục năm nay. Mới đây, khi phần quà hỗ trợ của thành phố Thái Nguyên được trao đến tận tay, với ông đó là động lực để ông tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời.

Ông Nguyễn Văn Tính, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Được giúp đỡ rất nhiệt tình kể cả tinh thần lẫn vật chất nên tôi rất phấn khởi”.

Từ nay đến năm 2025, để nâng cao chất lượng chương trình giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Bà Nguyễn Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% trở lên. Và để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, ngành Lao động, Thương binh & Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững, về chuyển đổi số, về cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng tiếp cận và tham gia các chính sách giảm nghèo”.

Để tiếp tục làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm là tăng thu nhập, giảm nghèo và nâng cao an sinh xã hội, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng thực hiện chính sách an sinh xã hội, chú trọng thực hiện các chính sách bảo trợ đối với toàn dân, mở rộng và phát triển các công trình sự nghiệp bảo trợ xã hội, kết hợp tốt giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa đáp ứng yêu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài của người dân./.