Sáng 6/8, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề “Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Hành chính công Lý Quang Diệu (Singapore) - Thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng Chính phủ trình bày.

xay dung bo may cong quyen uu tu phai co doi moi tu duy dot pha
Buổi thuyết trình của PGS.TS Vũ Minh Khương

Buổi thuyết trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Buổi thuyết trình nhằm trao đổi một số kinh nghiệm của Singapore về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy công quyền phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Từ đó, để cán bộ làm công tác xây dựng Đảng có những tư duy đột phá tầm nhìn chiến lược trong thời gian tới.

Tại buổi thuyết trình các đại biểu được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương trình bày các nội dung về: Xu thế thời đại và sự cần thiết phải xây dựng bộ máy chính quyền ưu tú; kinh nghiệm của Singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam về xây dựng bộ máy chính quyền ưu tú trong điều kiện thực tế của đất nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, việc xây dựng bộ máy chính quyền ưu tú là phải có đổi mới tư duy đột phá, cải cách, tầm nhìn và ý chí chiến lược phát triển. Việt Nam học được kinh nghiệm của Singapore về nguyên lý căn bản, thực hành cụ thể, đó là phải có tầm nhìn lớn về tương lai.

Theo đó, phải trọng hiền tài, tư duy thực tế, khuyến khích sự trung thực của con người, có tầm nhìn toàn cầu, thích nghi được với sự phát triển của thời đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam cần phải nhìn lại những thách thức hiện tại cũng như những khát vọng, tương lai của nhân dân mong đợi, để nhận thức rõ được tình hình cho sự phát triển.

Những quyết sách của Việt Nam trong thời gian tới cần có những quyết định dũng cảm, tầm nhìn vượt bậc.

Thứ hai Việt Nam phải có cải cách từ trong cấu trúc, theo kinh nghiệm của Singapore đó là rà soát lại toàn bộ chức năng của các bộ, ngành và địa phương có tổ nghiên cứu đánh giá lại căn bản, nhìn ra những cải cách đem lại hiệu quả cao nhất và thiết thực nhất.

Thứ 3 là việc phải đánh giá thường xuyên định kỳ các doanh nghiệp, người dân, cộng đồng quốc tế mọi người cùng giám sát và đúng theo luật pháp.

"Đồng thời, việc học hỏi và rút kinh nghiệm không ngừng là rất quan trọng để Việt Nam phát triển trong thời gian tới" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương nhấn mạnh./.