Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sáng 25/6 tại Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc phải là đi đầu trong khoa học công nghệ, coi đổi mới sáng tạo là trọng điểm trong phát triển, đồng thời làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

vung kinh te trong diem bac bo can dot pha ve tang truong xanh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam vừa trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, uy tín Việt Nam được nâng lên. Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó một thông tin vui là nhiều khả năng Hội đồng châu Âu sẽ phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và nếu điều này thành hiện thực thì hai bên sẽ ký kết sắp tới. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong thương mại và đầu tư cho Việt Nam và EU.

Với các điều kiện thuận lợi đó, Thủ tướng cho rằng, đây chính là thời cơ lớn cho nước ta, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng có đủ điều kiện hội nhập sâu, rộng.

Đánh giá cao vùng đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội thời gian quan, nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra không ít bất cập của vùng, để “thấy mình đang ở đâu mà khắc phục”.

Theo đó, dịch vụ là lợi thế của vùng, nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế có xu hướng giảm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, làng nghề, lưu vực sông còn phức tạp. Do thiếu các đô thị vệ tinh, tình trạng di dân vào Hà Nội đông khiến quá tải về cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển theo chiều rộng nên đóng góp vào khoa học kỹ thuật còn hạn chế; các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistic, dịch vụ cao cấp phát triển chưa tương xứng. Việc gắn kết dự án FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Hiện có tới 65% số vốn các dự án FDI tập trung vào các ngành nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ. Thủ tướng cho rằng, đây là tình trạng cần nghiên cứu nghiêm túc để vùng đất “vàng” phải chuyển trạng thái về thu hút đầu tư FDI.

Phát triển các dự án công nghiệp tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Các hoạt động liên kết nội vùng và giữa các vùng chưa hiệu quả và lan tỏa. Cấu trúc không gian phát triển vùng Vùng kinh tế trọng điểm còn hình thành thụ động, chưa rõ nét.

vung kinh te trong diem bac bo can dot pha ve tang truong xanh
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: VGP)

Chỉ ra những bất cập của vùng, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời gian tới.

Đó là phải giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước, một vùng dẫn đầu cả nước. Phấn đấu cùng vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là một trong hai đầu tàu của trung tâm kinh tế lớn nhất và năng động của cả nước, là đầu kéo trong phát triển kinh tế cả nước. Vị trí của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có tầm quan trọng như vậy. Về định hướng phát triển, Thủ tướng cho rằng cần xác định ngành nghề ưu tiên, quy hoạch không gian phù hợp hơn, danh mục dự án hạ tầng, liên kết vùng cả nội vùng và kết cấu ngoại vùng phải làm rõ hơn.

Cùng với đó, theo Thủ tướng phải xác định rõ mục tiêu phát triển của vùng. Cụ thể Mục tiêu phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc phải là đi đầu trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong ba đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế xã hội đảm bảo môi trường. Nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng phải là trọng điểm trong phát triển. Làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Chúng ta cần xây dựng dữ dữ liệu dùng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện kinh tế số của vùng. Vùng có dân trí cao nên cần phát huy giá trị văn hóa con người. Đây cũng vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.

Thủ tướng cũng gợi ý Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần làm rõ hơn đột phá trong tăng trưởng xanh, như công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Trong đó cần đi đầu trong việc giảm rác thải nhựa; phát triển đô thị thông minh; đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với quan tâm phát triển đô thị thì cần tiếp tục quan tâm phát triển nông thôn mới, đầu tư mạnh mẽ hơn để tiến tới xây dựng nông thôn kiểu mẫu ở khu vực này.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ Bắc Bộ đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để Bắc Bộ trở thành vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột phá chiến lược. Theo đó, cần đặc biệt ưu tiên phát triển hiện đại hoá mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, không có khu vực nào hệ thống giao thông thuận lợi như khu vực Bắc Bộ, nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống các tuyến đường bộ kết nối Hà Nội với Bắc Giang, Lạng Sơn, triển khai tuyến đường bộ ven biển của vùng để kết nối tốt hơn các địa phương; mở rộng thêm hệ thống cảng biển; nâng cấp sân bay Cát Bi, khai thác tốt sân bay Vân Đồn. Nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng...

Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội-Cái Lân để đưa vào khai thác đồng bộ phát huy hiệu quả đầu tư, bổ sung đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Dưới góc độ nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy vùng phát triển thì Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần phải đi đầu về thể chế, tức thể chế phải hiện đại, có thể dẫn dắt vùng phát triển. Cùng với đó là liên kết vùng phải thể hiện rõ hơn thay vì chỉ là hợp tác thông thường hay dạng hợp tác “biên bản ghi nhớ”. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế cho Hội đồng vùng.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần thay đổi khá cơ bản về hoàn thiện thể chế, tạo động lực cho các địa phương cùng tham gia, cùng chia sẻ, cùng thống nhất sự chuyên môn hóa. Hiện cơ chế hội đồng vùng chưa tạo cơ chế đàm phán để thống nhất. Đáng lẽ mỗi địa phương có lợi ích riêng, nếu có động lực, có mong muốn tham gia đàm phán, chia sẻ, thống nhất được mỗi địa phương chuyên môn hóa làm gì thì sẽ rất thành công. Nhưng hiện hội đồng vùng chưa làm được điều này. Do đó cần tạo diễn đàn để các địa phương đàm phán với nhau.

Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm thực hiện tốt quy hoạch vùng với cách thức là địa phương và vùng cùng làm quy hoạch, thay vì chờ quy hoạch vùng rồi mới làm quy hoạch địa phương./.