Sau khi đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) được Bộ Tài chính đưa ra, ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, chính sách thuế mới có thể tác động lớn tới doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

tang thue vat doanh nghiep chi dung ra thu ho cung bi anh huong
Tăng thuế VAT có thể làm giảm sức cầu trên thị trường

Tránh tạo cú sốc

Tại tọa đàm về những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế, trong đó có thuế VAT, chuyên gia kinh tế

Vũ Đình Ánh cho rằng, việc cùng một lúc sửa tới 5 luật, đặc biệt đều là những sắc thuế rất quan trọng, then chốt, sẽ tác động đến xã hội rất lớn.Việc sửa đổi là cần thiết để giải bài toán tái cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên cần có những tính toán thận trọng, tránh tạo ra những cú sốc.

Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Ban Chính sách tài chính công thuộc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nêu quan điểm: Bản chất thuế VAT là đánh vào tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp (DN) chỉ đứng ra thu hộ. Do vậy khi VAT tăng, về cơ bản sức cạnh tranh của DN không bị ảnh hưởng.

Theo bà Liên, với DN xuất khẩu, theo quy định hiện hành, thuế xuất khẩu hàng hóa là 0% nên về cơ bản, DN được hoàn lại. Còn với DN trong nước, mặc dù giá bán sản phẩm có ảnh hưởng khi tăng VAT, nhưng đánh giá mức độ ảnh hưởng cũng cần xem xét trên khía cạnh mức độ phụ thuộc và chia sẻ giữa người dân và DN.

Về lý thuyết, bà Liên nhận định, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên, mức độ tác động thế nào còn phải xét đến quy mô, khối lượng hàng hóa tiêu dùng cùng các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát, cung tiền…

Bên cạnh đó, bà Liên cũng bày tỏ quan điểm là việc tăng thuế VAT sẽ không tác động quá nhiều tới người thu nhập thấp.

"Theo quy định hiện hành, trong 25 nhóm hàng hóa không chịu VAT thì nhóm thu nhập thấp chủ yếu sử dụng nhóm hàng không chịu thuế hoặc chịu thuế thấp. Theo khảo sát điều tra mức sống dân cư năm 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, người có thu nhập thấp sử dụng 59,6% thu nhập cho nhóm hàng lương thực thực phẩm, trong khi người thu nhập cao là 39,6%. Y tế, giáo dục không chịu thuế; nhóm sản xuất lương thực thực phẩm cũng không chịu thuế, người bán ra cũng chỉ chịu thuế suất 5%, nên vệc điều chỉnh thuế sẽ không tác động quá nhiều đến người có thu nhập thấp", bà Liên lập luận.

Tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), nguyên Trưởng Đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO, cho rằng, tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt, có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

tang thue vat doanh nghiep chi dung ra thu ho cung bi anh huong
Các chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm ngày 12/9

Việc tăng thuế cần nhìn nhận khách quan và không nên tạo cú sốc cho cộng đồng. Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng, DN dù chỉ là người thu hộ nhưng vẫn chịu tác động vì sức mua hàng hóa giảm, ông Giám nhấn mạnh.

Khi đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế suất thông thường 10% của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Tài chính dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh tăng loại thuế này. Ví dụ, thuế suất trung bình tại các nước EU từ 19% (năm 2000) tăng lên gần 21,5% (năm 2014). Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia hiện có mức thuế phổ thông là 10%, Philippines là 15%, còn với Trung Quốc, mức thuế phổ thông cũng là 17%.

Về vấn đề này, ông Đào Huy Giám cho biết, thuế VAT đang đóng góp từ 25 - 27% tổng nguồn thu của ngân sách. Mặc dù thuế suất ở Việt Nam ở mức thấp hơn so với nhiều nước, nhưng tổng mức đóng VAT đóng góp tổng thu ngân sách lại đang cao hơn các nước.

Theo ông Giám, việc tăng thuế VAT trong thời gian tới nên tập trung vào các sản phẩm dịch vụ, vì nếu khai thác tập trung vào hướng này thì sẽ giảm áp lực cho người nghèo khi tăng thuế VAT.

Nhằm cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, mới đây Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên. Dự kiến luật này sẽ trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018./.