su vao cuoc cua cac bo nganh khi trien khai luat phong chong tac hai cua ruou bia

Mặc dù được đánh giá có nhiều điểm mạnh so với các Luật phòng chống rượu, bia trên thế giới như quy định nồng độ bằng 0; quy định chủ phương tiện giao thông phải có trách nhiệm với việc bản thân cũng như lái xe thuê không được uống rượu bia khi lái xe… nhưng với một đất nước sở hữu hơn 3 triệu xe máy, việc quy định nồng độ cồn bằng 0 thật sự là một thách thức đối với các nhà quản lý tại Việt Nam để có thể kiểm soát được tình trạng các chủ phương tiện này có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông hay không.

Anh Hoàng Mạnh N (Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi băn khoăn vì tình trạng uống một chút nước hoa quả lên men có thể sẽ bị đánh đồng với người sử dụng rượu, bia. “Tôi thấy việc sử dụng một số thực phẩm có đường dễ lên men hoặc các sản phẩm trái cây như nho, sầu riêng… dễ tạo hàm lượng cồn nhất định cho người sử dụng, liệu lúc đó chúng tôi sẽ giải thích như thế nào với lực lượng chức năng nếu phải thổi để kiểm tra nồng độ cồn”, anh N nói.

Nhận thức rất tốt về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia khi được hỏi tới, nhưng anh Triệu Quốc T (Nam Định) cũng đặt ra câu hỏi, những người nông dân như chúng tôi quanh năm không biết bao nhiêu dịp cỗ bàn, đám cưới… và hầu hết đều có uống rượu không thể từ chối do tình làng, nghĩa xóm. Chung quanh đó xe ôm thì khó, taxi thì không, vậy chúng tôi di chuyển bằng cách nào khi đã uống rượu bia.

Những điều băn khoăn đó đã được nhiều người đặt ra trong suốt quá trình bảy năm xây dựng Luật. Tuy nhiên, những tác hại thật sự của rượu, bia đối với người sử dụng phương tiện giao thông đã được minh chứng bằng những con số, thiệt hại cả về tài sản, tính mạng người dân và thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, số các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia lái xe, tỷ lệ người đi xe máy chiếm từ 70-90%, trong đó, tỷ lệ tai nạn do nam giới gây ra là 80-90%. Thời điểm xảy ra tai nạn liên quan đến uống rượu, bia thường vào buổi tối (18-24 giờ) và cao hơn vào các ngày cuối tuần. Tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó xe máy chiếm 62% và ô-tô 6%. Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say.

Chia sẻ về thực trạng gia tăng tai nạn giao thông gần đây và có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng vì lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, bất kỳ Luật nào đi vào cuộc sống cũng vẫn có những khúc mắc từ những người bị điều chỉnh hành vi theo đúng luật. Vì thế, với vai trò là đơn vị xây dựng Luật, Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm, phân công nhiệm vụ, phối hợp liên ngành, như: Đề án tuyên truyền trong ngành giao thông, vấn đề cấp phép sản xuất kinh doanh, vấn đề quản lý rượu thủ công.

“Về việc sử dụng thực phẩm tạo hàm lượng cồn nhất định, tôi cho rằng mọi người không cần lo lắng vì nồng độ cồn tự nhiên sẽ rất thấp, không đáng kể. Trong quá trình thông tin, giáo dục truyền thông để luật đi vào cuộc sống, Bộ Y tế cũng sẽ phổ biến những kiến thức khoa học để lực lượng chức năng sẽ có những xử lý hợp lý cũng như người dân nắm được thông tin”, bà Trang nói.

Bà Trang cũng cho rằng, việc thực hiện giám sát vi phạm nồng độ cồn đối với một đất nước có lượng xe máy lớn như Việt Nam không hề dễ dàng. Vì thế, khi Luật có hiệu lực, bà Trang cho rằng có thể làm điểm tại một số nơi trong một vài quý đầu của năm 2020. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài cần phải tính tới là khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện công cộng, ngay ở cơ sở kinh doanh phải nhắc nhở khách hàng khi đã uống say thì tốt nhất là sử dụng phương tiện công cộng về. Do đó, trong Luật có quy định trách nhiệm của cơ sở là phải hỗ trợ người say rượu bia thuê được phương tiện công cộng để họ về nhà và ngày hôm sau có thể quay lại để lấy phương tiện về.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã gửi một thông điệp rất rõ đến toàn thể nhân dân là đã uống rượu bia đừng có lái xe. Do đó, cần phải gắn xử phạt với tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc chấp hành quy định của Luật.

Một thời gian dài, Việt Nam bỏ ngỏ những quy định pháp luật liên quan tới việc kiểm soát rượu, bia, vì thế, để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đi vào cuộc sống, sẽ phải mất nhiều thời gian và rất cần sự phối hợp và chủ động từ Trung ương tới địa phương.

Một trong những giải pháp tăng cường tuyên truyền, nhất là truyền thông nhằm thay đổi hành vi tới thế hệ trẻ, Ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo bổ sung thêm nội dung này vào hệ thống kiến thức giáo dục pháp luật và kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh trong chương trình chính khóa.

Ngoài đề nghị lực lượng cán bộ công nhân viên chức cần phải thực hiện Luật nghiêm túc để làm gương, ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, Bộ Y tế, các bộ ngành sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện luật phòng chống tác hại rượu bia, đặc biệt là Thông tư 26, Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an với Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực thực thi về nồng độ cồn, tăng cường tập huấn cán bộ, trang bị đầy đủ thiết bị kiểm tra nồng độ cồn.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang tiến hành sửa đổi Nghị định 46, đề ra mức xử phạt tối đa vi phạm nồng độ cồn với người đi xe đạp, xe thô sơ là sáu trăm nghìn đồng, đi xe mô tô, xe máy là tám triệu đồng, người đi ô tô lên tới 40 triệu đồng. Với mức xử phạt mạnh mẽ, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có được hiệu lực mạnh mẽ trong đời sống, giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc vì rượu, bia gây ra./.