Nhiều tham luận tại hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với các vấn đề giáo dục và khoa học” do Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (HUFLIT) vừa tổ chức, với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, giảng viên ĐH tại TP.HCM đã đi sâu vào nội dung này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng thủ đô. Người căn dặn:
“Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...
tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước,
tránh làm rồi lại phá đi” (16-11-1959) -Ảnh tư liệu

Tác phong khoa học

Kỹ sư Phạm Văn Bảy - nguyên phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM - cho biết: “Bác nói: con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học, cho nên mọi cái nhìn của Bác đều mang ít nhiều màu sắc khoa học, có thể nói đó là một tác phong khoa học”. Con số là khởi thủy của khoa học được Bác vận dụng một cách triệt để để chứng minh, thuyết phục. Khi nhấn mạnh các vấn đề về thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nói: “Xin lỗi các bạn vì tôi đã nhồi nhét các bạn với bấy nhiêu con số. Song là “những con số hùng hồn” như người Pháp vẫn nói. Chúng hùng hồn hơn bất cứ một sự mô tả nào khác mà tôi có thể làm được”.

Khi so sánh giữa các nước đế quốc và các nước thuộc địa, Người đã đưa ra các con số một cách thuyết phục: “Như vậy chín nước với tổng số dân 320.657.000 người và với diện tích 11.407.600km2 bóc lột các nước thuộc địa gồm hàng trăm dân tộc với số dân 560.193.000 người và với diện tích 55.637.000km2. Toàn bộ lãnh thổ của các nước thuộc địa rộng gấp năm lần lãnh thổ các chính quốc, còn số dân của chính quốc chưa bằng 3/5 số dân của các nước thuộc địa”.

Bác hay đưa ra các so sánh theo thời gian, tính chất, không gian để làm nổi bật vấn đề. Điều này được rút ra trong công tác quần chúng: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh. Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy.

Vấn đề Bác quan tâm là những điều ẩn sau các con số. Từ những con số người tốt, việc tốt được khen thưởng của các địa phương, Bác nói: “Những con số ghi trong này không có nghĩa là ngành này, giới này, tỉnh này anh hùng hơn ngành, giới, tỉnh kia. Nơi nào có ít người được khen là khuyết điểm cấp lãnh đạo ở đó. Một số cán bộ của ta hình như mải làm công tác hành chính, sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”.

Ông Phạm Văn Bảy rút ra nhận định: “Bác Hồ đã cho chúng ta thấy rõ cái gì ẩn sau các con số. Các con số trên các bản báo cáo phải được thẩm định trước hết về tính chân thật, tính thực tế của nó trước khi dùng để phân tích vấn đề và tìm được nội dung trong đó. Lúc này các con số mới có đầy đủ ý nghĩa của nó, mới phản ánh đúng đắn vấn đề. Con số vẫn có mặt trái của nó nếu ta cố tình du di”.

Tình yêu khoa học

Lúc miền Bắc đang tăng gia sản xuất trong chiến tranh với nền nông nghiệp lạc hậu, Bác đã kêu gọi SV vươn tới tầm cao của khoa học kỹ thuật. Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt, ĐH Hồng Bàng, dẫn lại lời phát biểu của Bác tại Đại hội sinh viên lần thứ hai. Trong đó Bác dặn SV phải “yêu khoa học và kỹ thuật. Bởi vì tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỹ thuật. Thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng. Mỗi người lao động tốt đều có thể trở nên anh hùng. Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng”.

Các bản tham luận cho thấy nghiên cứu kỹ cuộc đời và tư tưởng của Bác, mỗi chúng ta sẽ rút ra cho mình nhiều hiểu biết quan trọng. Nói như lời giáo sư, tiến sĩ Bùi Khánh Thế - hiệu phó Trường HUFLIT: “Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học, phong cách làm việc cũng như những lời căn dặn của Bác về cách tổ chức, quản lý công việc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người trước thực tiễn đất nước. Cuộc hội thảo sẽ thành công trọn vẹn nếu mỗi người tham dự có tiếng nói để bổ sung, hoàn thiện chủ đề. Đó là cách thiết thực để thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Kỹ sư Phạm Văn Bảy cho biết: “Tôi học tập Bác cách nhìn xã hội với con mắt khoa học”. Và ông dẫn lời nhà thơ Lưu Trọng Lư:”Thành thật tôi mong rằng mỗi người trong các bạn, đi vào thế giới của Bác Hồ sẽ có một phép cảm thụ, suy tư, thu nhận riêng. Vì học Bác Hồ là tự phát huy”.

  • Theo Tuổi trẻ