Là cây trồng chủ lực của tỉnh, chè đã trở thành cây làm giàu cho bà con nông dân. Để đáp ứng nhu cầu nước tưới cho từng giai đoạn phát triển của cây chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, gia đình Bà Ngô Thị Hường, Cơ sở sản xuất chè Thắng Hường, thành phố Thái Nguyên đã bỏ ra chi phí khá lớn để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

phat trien thuy loi tuoi tien tien giai phap quan trong thuc day phat trien nong nghiep da phat
Hệ thống vòi tưới tự động của gia đình bà Hường.

Thực tế cho thấy, diện tích chè áp dụng công nghệ tưới tiên tiến cho năng suất cao hơn từ 20% - 30% so với với trước kia và cao hơn 50% - 60% so với diện tích cây trồng không chủ động được nước tưới. Bà Hường cho hay: "Nếu chủ động tưới như này, chăm bón cũng dễ hơn. Có vòi tưới chủ động, tưới được đều, đến vụ đông có chè để thu hái".

Ưu thế của công nghệ tưới tiên tiến đã rõ. Tuy nhiên, bởi chi phí đầu tư khá lớn nên nhiều hộ sản xuất vẫn chưa thể áp dụng. Gia đình ông Phạm Văn Quyên, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cho biết, hiện gia đình ông đang gặp khó khăn trong việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm: "Chi phí lắp đặt lớn, chưa có nguồn nước tưới nên gia đình tôi chưa dám dầu tư".

Bên cạnh việc khó khăn trong đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm thì các công trình thủy lợi phục vụ cho việc dự trữ, chủ động nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn xa so với khu vực sản xuất của người dân. Đặc biệt, địa hình khu vực phục vụ nước tưới tiêu cho cánh đồng ở các xã vùng cao, quá phức tạp nên việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi là việc không dễ dàng. Nguồn lực tài chính của địa phương đầu tư cho hệ thống thủy lợi còn eo hẹp, trong khi đó đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động vốn từ nhân dân vẫn hạn chế. Anh Phạm Văn Thanh, xóm 12, xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho biết: "Tôi ở trên này, nguồn nước lại xa. Gia đình cũng chưa đủ kinh phí để đầu tư được. Cây chè cần cỗi, khô hơn".

phat trien thuy loi tuoi tien tien giai phap quan trong thuc day phat trien nong nghiep da phat
Chi phí lớn, nguồn nước xa, khiến người dân chưa thể lắp đặt hệ thống tưới tự động.

Chia sẻ về những khó khăn của địa phương, ông Phan Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho hay: "Tân Linh chỉ có một con suối cái, ít hồ đập nên chúng tôi bị hạn chế. Bây giờ muốn tạo hệ thống tưới tự động, cần phải có ao, đập, hồ chứa, khi đó mới tạo được nguồn nước để đẩy lên. Nhân dân cũng mong muốn Nhà nước đầu tư, hỗ trợ tạo các đập nhở chặn từ các suối, để có thể tạo hệ thống tưới tự động hoặc tự chảy giúp nhân dân trong quá trình sản xuất".

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 57.000 ha diện tích canh tác cây trồng cạn. Tuy nhiên, diện tích được tưới tiết kiệm mới chỉ đạt trên 5.800ha. Bởi vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề xuất chính sách hỗ trợ người dân phát triển xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phù hợp với các địa phương. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên cho biết: "Các xã xây hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư 50%, còn lại là các hệ thống tưới chưa được đảm bảo để phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó vấn đề tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, cây trồng chủ lực của tỉnh như cây chè, cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao, hiện chưa có hệ thống tưới cho những loại cây trồng này. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng khung dự thảo về chính sách quy định mức hỗ trợ các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Sau khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết thì đây sẽ là chính sách hỗ trợ việc tưới cho cây trồng cạn và kiên cố hóa kênh mương nội đồng".

Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, địa phương cần chủ động, tranh thủ các nguồn vốn, tập trung xây dựng kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho diện tích đất sản xuất, đồng thời kết hợp lồng ghép, sử dụng hiệu quả vốn của các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân ngay từ những bước trong sản xuất, tạo bước đột phá trong chương trình phát triển nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên./.